GIÁO HỘI – CỘNG ĐOÀN CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Endret: 23. oktober 2023, kl.15:36

 

Khóa Thường Huấn Linh mục Giáo phận Qui Nhơn
(25-27/9/2023)

Chủ đề:
Tông thư Desiderio Desideravi
Phụng Vụ: Điểm hẹn tình yêu với Đức Kitô

GIÁO HỘI – CỘNG ĐOÀN CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN
NƠI BÀN TIỆC THÁNH THỂ

 


Lm. Paulus Ý

 

  • Giáo Hội trong cơn khủng hoảng phụng vụ?

Trong hơn 60 năm qua Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã không có mặt để tham dự Công Đồng cũng như không có ảnh hưởng hay đóng góp trực tiếp cho công cuộc cải tổ Giáo Hội của Vatican II.[1] Tuy nhiên, một điều rất dễ nhận thấy là Đức Phanxicô đã chọn việc áp dụng và thực thi giáo huấn của Công Đồng làm ưu tiên hàng đầu cho chương trình nghị sự của triều đại ngài.[2] Thực vậy, cho dầu gặp nhiều cản trở chống đối, nhưng xem ra đức đương kim Giáo Hoàng chấp nhận trả bằng mọi giá để các đường lối canh tân của Vatican II được trở thành hiện thực trong đời sống của cộng đoàn Dân Chúa, tại các giáo hội địa phương cũng như tại giáo triều Roma.[3] Có thể nói được rằng trước khi Đức Hồng Y Bergoglio của Argentina được bầu làm người kế vị thánh Phêrô, Giáo Hội hoàn vũ đang ở giữa một tình trạng tương đối căng thẳng, nếu không muốn nói là khủng hoảng, trong một số lãnh vực.[4] Nơi đây chúng ta chỉ đề cập đến hiện tượng của những người theo chủ nghĩa duy truyền thống (traditionalism), công khai hay kín đáo, dùng mọi cách để ngăn cản hay chống lại các giáo huấn và đường lối của Thánh Công Đồng Chung. Một trong những mục tiêu chính để họ chống đối và tìm cách cản trở là việc canh tân phụng vụ theo tinh thần Vatican II.

Thực ra, ngay sau Công Đồng, khi cuộc canh tân phụng vụ bắt đầu, đã xuất hiện một nhóm mang tên “Huynh Đoàn Piô X” (FSSPX – Fraternité Sacerdotale Saint Pie X) cầm đầu bởi giám mục người Pháp Marcel Lefebvre (1905-1991), không chấp nhận cử hành Phụng Vụ Thánh Thể theo nghi thức mới của Missale Romanum được Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI chính thức ban bố cho toàn thể Giáo Hội ngày 3 tháng 4 năm 1969 và được chuyển dịch ra mọi ngôn ngữ của các giáo hội địa phương. Nhóm Lefebvre chống lại rất nhiều điểm, nếu không muốn nói là toàn bộ giáo huấn của Công Đồng, nhưng điểm đặc trưng của họ là tiếp tục cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức có từ thời Công Đồng Tridentinô (1545-1563).

Năm 1988 khi Lefebvre quyết định phong chức cho bốn giám mục không có sự phê chuẩn của Toà Thánh, nhóm này đã bị Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chính thức cắt phép thông công. Tuy nhiên phong trào lễ tiếng Latinh theo nghi thức Tridentino đã ảnh hưởng mạnh đến nhiều nhóm khác nhau ngay trong lòng Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt tại các nước nói ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latinh.[5] Với thực trạng này, Đức Benedictô XVI ngày 07 tháng 07 năm 2007 đã ký Tự Sắc Summorum Pontificum chấp nhận và cho phép nghi thức Tridentino được chính thức hiện diện và được cử hành bên cạnh với phụng vụ canh tân của Giáo Hội. Kể từ đó các nhóm này phát triển mạnh và có cử hành phụng vụ riêng cố định nơi nhiều giáo xứ cũng như trong các giáo phận. Tại nhiều nơi, các nhóm này cũng đã thành lập các giáo xứ tòng nhân và có quản trị riêng. Điều này đã gây ra không ít những khó khăn cho cộng đồng Dân Chúa một số nơi và đe doạ tính hiệp nhất công giáo của Giáo Hội. Nhưng nguy hiểm nhất là hiện diện hay ẩn nấp trong các nhóm bảo thủ duy truyền thống này một thái độ không rõ ràng với Huấn Quyền của Giáo Hội.[6]

Trong tình huống mỗi lúc một trở nên phức tạp cho đời sống của Giáo Hội tại nhiều nơi, Đức Thánh Cha Phanxicô, “theo ước nguyện của hàng giám mục và sau khi lắng nghe ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin”, ngày 16 tháng 7 năm 2021 đã ký Tự Sắc Traditionis Custodines. Nội dung của Tự Sắc này xem ra rất khẳng quyết và minh bạch, trong đó Đức Thánh Cha xác nhận chỉ “các sách phụng vụ được thánh Phaolô VI và thánh Gioan Phaolô II, ban hành phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách thể hiện duy nhất của lex orandi trong Nghi lễ Rôma” (Điều 1). Tự sắc cũng đòi buộc tất cả “các quy định, huấn thị, các điều đã được cho phép và cách thực hành trước đây, nếu không phù hợp với những điều được dự liệu trong Tự sắc này, đều bị hủy bỏ” (Điều 8).

Như đầu đề Traditionis Custodines – Những Người Bảo Vệ Truyền Thống – của tự sắc đã diễn tả, Đức Thánh Cha đã khẳng định chỉ giám mục đoàn cùng thông hiệp với Giám Mục Roma là những người chính thức và có đầy đủ năng quyền để bảo vệ truyền thống cũng như sự hiệp nhất của Giáo Hội. Các giám mục là bản quyền duy nhất trong giáo phận có thể cho phép xử dụng các nghi thức trước cải tổ năm 1970, theo sự hướng dẫn của Tòa thánh (x. Điều 2). Khi cho phép như vậy, giám mục giáo phận phải chắc chắn các nhóm phụng vụ này đang sống trong sự thông hiệp trọn vẹn với đức tin công giáo và tông truyền, i.e. “xác định rõ là các nhóm đó không được chối bỏ tính cách thành sự và hợp pháp của công cuộc cải tổ phụng vụ theo chỉ thị của Công đồng Vatican II và Huấn Quyền của các giáo hoàng” (Điều 3 § 1). Giám mục giáo phận chỉ định nơi chốn và các ngày để các nhóm này có thể qui tụ để cử hành phụng vụ, nhưng không được chọn các nhà thờ giáo xứ và không được phép lập các xứ tòng nhân mới. Khi cử hành phụng vụ, các nhóm này phải dùng các bài đọc bằng tiếng địa phương và các bản dịch đã được các Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn (x. Điều 3 § 2 và § 3).

Tự sắc cũng đòi buộc các giáo phận phải bổ nhiệm một linh mục đại diện giám mục để cai quản và phụ trách cho các nhóm này. Linh mục này đòi buộc phải thành thạo tiếng Latinh đủ để thấu hiểu luật chữ đỏ và các bản văn phụng vụ, đồng thời cũng đầy nhiệt tình mục vụ và cảm thức về mối hiệp thông trong Hội thánh. Linh mục này không phải chỉ lo cho việc cử hành phụng vụ đúng luật, mà còn lo chăm sóc đời sống mục vụ và tu đức của các thành viên của các nhóm này (x. Điều 3 § 4). Giám mục giáo phận cũng phải nhận định chính xác để xét xem các giáo xứ được thiết lập vì lợi ích của các nhóm này, có thực sự hữu hiệu cho sự tăng triển trong đời sống thiêng liêng của các tín hữu không, và quyết định có nên giữ lại các giáo xứ như vậy không (Điều 3 § 5). Tự sắc cũng nhấn mạnh là “không cho phép lập thêm các nhóm mới” (Điều 3 § 6).

Riêng đối với các linh mục cử hành phụng vụ theo nghi thức miễn trừ này, Tự Sắc cũng hết sức rõ ràng và nghiêm nhặt. Tất cả các linh mục chịu chức sau khi Tự Sắc này ban hành (ngày 16 tháng 7 năm 2021) thì “phải có thỉnh nguyện thư chính thức gửi cho giám mục giáo phận, giám mục sẽ lĩnh ý Tòa Thánh trước khi cho phép” (Điều 4). Còn những linh mục hiện đã được phép cử hành phụng vụ cũng “phải xin giám mục giáo phận cho phép tiếp tục hưởng năng quyền này” (Điều 5).

Khi đọc những hướng dẫn xem ra hết sức chi tiết và cứng rắn của Traditionis Custodes, có lẽ một câu hỏi xuất hiện nơi tâm trí của mỗi người chúng ta là tại sao Toà Thánh và đức đương kim Giáo Hoàng có vẻ lo lắng và tỏ ra rất dứt khoát với phong trào “hoài cổ” trong phụng vụ như vậy? Thật sự, đối với đa số người tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, những chỉ thị cũng như quan tâm có tính cách pháp lý về vấn đề phụng vụ của Traditionis Custodes gần như hơi xa lạ. Theo như sự hiểu biết và quan sát của người viết, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hầu như không phải đối mặt với vấn đề của việc cử hành Thánh Lễ tiếng Latinh theo nghi thức Tridentinô.[7] Trào lưu của các nhóm linh mục hay giáo dân bảo thủ duy truyền thống cũng gần như không có mặt tại Việt Nam. Việc xử dụng tiếng Việt trong phụng vụ đã trở thành điều tự nhiên và các nghi thức cử hành Thánh Lễ theo phụng vụ canh tân gần như là hình thức duy nhất hiện diện và được thực hành trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Traditionis Custodes chính là một nhắc nhở để chúng ta cùng suy nghĩ với Giáo Hội – sentire cum Ecclesia, chia sẻ những lo lắng của nhiều cộng đoàn Dân Chúa đang bị các hình thức cử hành phụng vụ ngoại lệ này tạo ra vấn nạn cho sự hiệp nhất. Hiểu đơn giản thì các trào lưu này có thể đã phát xuất từ những sở thích của một số cá nhân muốn tạo thành điểm hội tụ cho các nhóm sinh hoạt nhỏ. Khi cử hành phụng vụ bằng một ngôn ngữ đòi hỏi những người chủ sự cũng như cộng đoàn tham gia phải thông thạo một cổ ngữ, các nhóm này đầu tiên được xem như những “câu lạc bộ” của giới thượng lưu trí thức. Tuy nhiên khi các nhóm này muốn trở nên lớn mạnh và tạo ảnh hưởng trong đời sống chung của Giáo Hội, tìm kiếm và lôi kéo thêm những người thành viên (cả linh mục lẫn giáo dân) không cần trình độ về phụng vụ cũng như cổ ngữ Latinh, nhưng chỉ vì ưa thích các hình thức cử hành có tính cách cổ kính long trọng bên ngoài, có hai mối nguy hại xuất hiện cho Giáo Hội.

Trước hết, khi không cùng cử hành phụng vụ bằng một ngôn ngữ và nghi thức chung với các tín hữu khác, các nhóm tự xem là ưu tuyển này một cách nào đó tách mình ra khỏi với đời sống chung của các giáo hội địa phương. Khi thiếu sự tiếp xúc và chia sẻ, cộng đoàn tính của các giáo xứ bị đe doạ và mầm mống hiểu lầm chia rẻ trở nên tiềm tàng hay hiện thực. Đó là chưa kể đến các ý thức hệ bảo thủ quá khích tìm cách ẩn trong các nhóm này để khích động hay mưu tìm các lợi lộc về chính trị.[8] Mối nguy hiểm thứ hai là các nhóm này, qua các cử hành phụng vụ có tính cách hoài cổ của mình, một cách hữu ý hay vô tình có khuynh hướng muốn đưa cộng đoàn đức tin trở về lại với một số hình thức tiêu cực của quá khứ. Đây muốn nói đến các chủ trương và thực hành sai lệch đe doạ căn tính của Giáo Hội Công Giáo mà các nghị phụ tại Công Đồng Vatican II cách đây 60 năm đã nhận diện và cố gắng loại trừ ra khỏi đời sống của cộng đoàn các tín hữu Kitô.

Khi chú tâm vào vẻ hào nhoáng trang trọng bên ngoài của các nghi thức phụng vụ, các nhóm này muốn phục hồi lại “khải hoàn chủ nghĩa” (triumphalism)[9] trong đời sống Giáo Hội. Đối với các nhóm này, cử hành phụng vụ rất dễ biến thành hình thức của sự thượng tôn tôn giáo, khi họ quá tập chú vào vẻ hào nhoáng của các phẩm phục có giá trị cổ được dùng trước Vatican II, các dụng cụ thánh quý giá đắt tiền và cách trang hoàng lộng lẫy nơi chốn phượng tự. Với các thị hiếu hời hợt này, phụng vụ rất dễ trở thành những cử hành có tính cách phô trương khoe khoang bên ngoài. Các linh mục cử hành các nghi lễ không được canh tân này chỉ phải cố học thuộc nghi thức cách tỉ mỉ để rồi cử hành đúng theo luật chữ đỏ (rubrics) đòi buộc. Thái độ duy nghi thức và hình thức (legalist/formalist) này che lấp bản chất đích thực của sự thờ phượng Kitô giáo và biến các cử hành phụng vụ thành một thứ trình diễn mang nhiều kịch tính, không khác với các diễn viên phải học thuộc kịch bản trước khi trình diễn trên sân khấu. Khi các linh mục không chấp nhận quay mặt về phía dân chúng – versus populum – tạo thành một cộng đoàn cùng cử hành mà lấy lại hình thức hướng về phía Đông – ad orientem – quay lưng lại với giáo dân, các nhóm này phục hồi lại cách nhìn sai lệch về cử hành phụng vụ, nơi đó giáo sĩ là người “làm lễ” và giáo dân là người “xem lễ”. Trong cách nhìn này, chủ nghĩa giáo sĩ (clericalism) được củng cố và cử hành phụng vụ lại trở thành một thứ tài sản được sở hữu bởi giai cấp giáo sĩ chứ không phải là một cử hành của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.[10]

Đề cập đến những điểm này để cho thấy rằng các quan tâm và chỉ thị của Traditionis Custodines không chỉ đơn thuần tập chú vào những qui tắc phụng vụ khác biệt hay kỷ luật về các nghi thức bên ngoài, nhưng tiềm ẩn bên trong là một nỗ lực giải quyết các vấn nạn sâu xa có liên quan đến căn tính của Giáo Hội và đời sống đức tin của các Kitô hữu. Thực vậy, mục đích chính của Công Đồng Vatican II là canh tân Giáo Hội, nhưng Giáo Hội trước hết và trên hết là một cộng đoàn cử hành phụng vụ nên củng cố và canh tân đời sống phụng vụ là điều đầu tiên phải được lưu tâm, như các nghị phụ đã xác nhận:

Thánh Công Ðồng chủ tâm phát huy hằng ngày đời sống Kitô giáo nơi các tín hữu, thích ứng hơn nữa với những định chế nào có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta, cổ xúy những gì khả dĩ góp phần hiệp nhất mọi người đã tin theo Chúa Kitô, và kiện cường những gì qui trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội. Vì những lý do đặc biệt đó, Thánh Công Ðồng thấy có bổn phận phải lo canh tân và cổ xúy Phụng Vụ (SC 1).

Thực vậy, đề tài và thuật ngữ phụng vụ đã được tìm thấy ở 12 trong số 16 tài liệu chính thức của Công Đồng.[11] Điều này nói lên mối quan tâm sâu sắc của các nghị phụ cho việc canh tân phụng vụ. Nói cách khác, canh tân phụng vụ chính là công trình đáng trân trọng nhất Thánh Công Đồng đã đem lại cho người tín hữu đang thực hành đức tin Công Giáo trong thế giới hiện đại.[12] Trong cái nhìn này, Traditionis Custodines có thể được hiểu như là lời xác định của Huấn Quyền hiện tại cho việc bảo vệ công trình cải tổ phụng vụ của Vatican II. Để làm rõ ý hướng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết và gởi đến toàn thể Giáo Hội Tông Thư Desiderio Desideravi để

mời gọi toàn thể Hội Thánh khám phá lại, bảo toàn và sống những ý nghĩa xác thực cũng như sức mạnh của các cử hành phụng vụ Kitô giáo. Tôi muốn vẻ đẹp và những hiệu năng cần thiết của việc cử hành Kitô giáo trong đời sống của Hội Thánh không bị biến dạng bởi một sự hiểu biết hời hợt và giản lược về giá trị, hoặc thậm chí tệ hơn, bởi việc biến Phụng vụ thành công cụ phục vụ một quan điểm ý thức hệ, dù quan điểm ấy có như thế nào đi nữa… (DD 16).

  • Tái Khám Phá Phụng Vụ Canh Tân Của Vatican II

Có nhiều cách để đọc và tiếp cận Desiderio Desideravi, được ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2022, một tài liệu mới nhất của Huấn Quyền “về đào tạo Phụng Vụ cho Dân Thiên Chúa”.[13] Tuy nhiên có lẽ sẽ dễ dàng và tiện ích nếu người đọc được định hướng là đức đương kim Giáo Hoàng qua Tông Thư này muốn giúp tất cả những ai sống và thực hành đức tin Công Giáo hôm nay hiểu biết và trân trọng công cuộc canh tân phụng vụ mà các Nghị Phụ của Thánh Công Đồng Vatican II, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã đạt được cho toàn thể Giáo Hội cách đây 60 năm. Thật vậy, bàng bạc trong suốt Tông Thư Đức Phanxicô nhắc nhở mọi người tín hữu hôm nay phải

mang ơn Công đồng… trong việc tái khám phá ý nghĩa thần học và tầm quan trọng của Phụng vụ trong đời sống Hội Thánh. Các nguyên tắc chung được đặt ra trong Sacrosanctum Concilium đã là nền tảng cho việc cải cách phụng vụ, các nguyên tắc ấy cũng vẫn là nền tảng cho việc thăng tiến các cử hành Phụng vụ… nguồn chính yếu và không thể thiếu để người tín hữu có thể kín múc tinh thần Kitô giáo đích thực cách trọn vẹn, có ý thức, tích cực và hiệu quả… (DD 16).

Nơi đây Đức Thánh Cha nhắc đến và đề cao Sacrosanctum Concilium (SC), Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh,[14] đã được các Nghị Phụ quyết nghị ngày 22 tháng 11 năm 1963 và Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã phê chuẩn và công bố ngày 04 tháng 12 năm 1963. Đây là văn bản quan trọng đầu tiên và độc sáng trong toàn bộ các tài liệu giáo huấn của Công Đồng. Trước Vatican II, chưa có công đồng nào trong lịch sử Giáo Hội đã dành nguyên một hiến chế để trình bày giáo huấn về phụng vụ.[15] Các Nghị Phụ đã giải thích cho việc chọn lựa của Công Đồng và chỗ đứng ưu tiên của phụng vụ:

Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách…Hằng ngày, Phụng Vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần để đạt tới mức tuổi sung mãn của Chúa Kitô. Nhờ đó, Phụng Vụ còn kiện cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Chúa Kitô; và như vậy Phụng Vụ cũng bày tỏ cho những kẻ bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ nêu cao trước mặt các dân nước ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một cho tới khi thành một đàn chiên theo một Chúa chiên (SC 2).

Trong quan điểm này của các Nghị Phụ Công Đồng, phụng vụ chính là nền tảng trên đó mọi chiều kích căn bản và sứ mệnh của Giáo Hội được xây dựng. Thực ra phụng vụ đã không được nhắc đến khi Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ngày 25 tháng 1 năm 1959 tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành chính thức tuyên bố ý định triệu tập một công đồng chung cho Giáo Hội. Khi chọn aggiornamento – canh tân và hiện đại hoá – như phương châm cho hướng đi và chương trình nghị sự của Công Đồng, Đức Gioan XXIII ao ước làm mới lại đời sống của Giáo Hội Công Giáo để kêu mời tất cả các Kitô hữu tìm về hiệp nhất hướng đến công cuộc rao giảng Tin Mừng ơn cứu độ cho toàn thế giới. Nhưng để đạt được được hai viễn cảnh canh tân Giáo Hội và phát triển tiến trình đại kết để cùng truyền giáo thì phụng vụ, nguồn mạch của đời sống tâm linh cho mỗi một và toàn thể cộng đoàn tín hữu, đòi hỏi có sự quan tâm thích đáng.[16] Theo các Nghị Phụ, phụng vụ

đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người… Vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (SC 7 – Nhấn mạnh của người viết).

Nơi giáo huấn này, Công Đồng nhấn mạnh đến Thánh Lễ như một phụng tự công cộng trong đó mọi người đều có một vai trò để tích cực tham gia vào việc hiện tại hoá mầu nhiệm cứu chuộc. Có thể nói được mục tiêu của toàn thể công cuộc cải tổ phụng vụ Công Đồng Vatican II là phục hồi lại chiều kích cộng đoàn của cử hành Bữa Tiệc Hiến Tế. Nói cách khác Vatican II cố gắng sửa lại các hình thức và thực hành sai lệch bắt đầu xâm nhập vào cử hành phụng vụ từ thời Trung Cổ,[17] khi Thánh Lễ được biến thành một hoạt động cá nhân và dần dần trở thành một cử hành có tính cách độc diễn của giáo sĩ.[18] Về điểm này Công Đồng diễn tả rất rõ ràng:

Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là «bí tích hiệp nhất», nghĩa là dân thánh được qui tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám Mục… Các hoạt động đó thuộc về Thân Thể phổ quát của Giáo Hội, diễn tả và ảnh hưởng trên Giáo Hội; tuy nhiên còn có liên quan khác nhau với từng chi thể riêng biệt của Thân Thể, tùy theo khác biệt về phẩm trật, phận vụ, và sự tham dự hiện thực (SC 26).

Thực vậy, trong cử hành phụng vụ Thánh Thể theo tinh thần cải tổ của Vatican II, không phải chỉ có những người trong phẩm trật chức thánh nhưng “ngay cả những người giúp lễ, đọc sách, dẫn giải và những người thuộc ca đoàn cũng chu toàn tác vụ phụng vụ đích thực” (SC 29). Khi nói đến tác vụ phụng vụ đích thực của người tín hữu giáo dân trong cử hành Bữa Tiệc Thánh, các Nghị Phụ khẳng định phụng vụ Thánh Thể là nơi mà hình ảnh và căn tính chung của Giáo Hội được biểu lộ và đạt đến chiều kích hoàn hảo với sự tham gia linh động của toàn thể cộng đoàn qua “những lời tung hô của dân chúng, những câu đối đáp, những bài ca vinh, tiền khúc, thánh ca và cả những động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác” (SC 30). Cụ thể và kỹ lưỡng hơn, các Nghị phụ đòi buộc trong khi “tu chỉnh các sách phụng vụ cũng phải lưu tâm đến các qui tắc chữ đỏ liên quan đến vai trò của các tín hữu” (SC 31). Các ngài đã lý giải cho những đòi buộc này:

Cho dầu Phụng Vụ Thánh đặc biệt là việc phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng còn bao hàm việc giáo dục lớn lao cho dân chúng trung thành… Thực vậy, trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài…. Hơn nữa, linh mục, là hiện thân Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người tham dự. Sau hết, những biểu hiệu hữu hình được dùng trong Phụng Vụ Thánh để diễn tả những thực tại vô hình của Thiên Chúa là những biểu hiệu đã được Chúa Kitô hoặc Giáo Hội tuyển chọn. Do đó, không những chỉ đọc … mà cả việc Giáo Hội cầu nguyện, ca hát, hay hành động, đều nuôi dưỡng đức tin của những người tham dự, nâng tâm trí họ lên cùng Chúa, để họ sáng suốt tuân phục Ngài, và để lãnh nhận ân sủng của Ngài cách dồi dào hơn (SC 33).

Nơi đây khía cạnh mục vụ của việc canh tân phụng vụ được nhấn mạnh và trở nên rõ nét. Nếu có một điều tách biệt Công Đồng Vatican II ra khỏi các công đồng trước trong lịch sử Giáo Hội, đó chính là viêc Công Đồng đã không phải lên án một lạc giáo nào, cũng không phải tuyên bố một tín điều mới nào, nhưng Vatican II là một công đồng được triệu tập vì các thách đố và nhu cầu mục vụ của Giáo Hội trong thế giới hiện đại. Đặc điểm mục vụ này của Công Đồng được nhìn thấy rõ nét nhất trong công cuộc canh tân phụng vụ khi các Nghị Phụ khẳng quyết rằng:

Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo… Trong việc canh tân và cổ võ Phụng Vụ Thánh, cần phải hết sức để tâm đến việc tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân: vì Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực… (SC 14 – Nhấn mạnh của người viết)

Tuy nhiên để người tín hữu giáo dân có thể tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, hòa hợp tâm trí với ngôn ngữ của các mầu nhiệm thánh, đòi hỏi phải có những mục tử “không phải chỉ chủ tâm tuân giữ các lề luật trong các hoạt động phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn phải làm cho các tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu” (SC 11). Nói cách khác, Công Đồng biết rằng muốn có một cộng đoàn cử hành phụng vụ đúng đắn, trước hết việc huấn luyện phụng vụ cho hàng giáo sĩ là hết sức thiết yếu bởi vì

sẽ không có một tia hy vọng nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của Phụng Vụ cũng như không thành những bậc thầy trong lãnh vực ấy. Vì vậy, rất cần phải chú trọng đến việc huấn luyện Phụng Vụ cho hàng giáo sĩ… (SC 14)

Trong hướng nhìn này, Công Đồng đòi buộc cần phải canh tân việc đào tạo phụng vụ cho các giáo sĩ.[19] Môn phụng vụ thánh phải được đặt vào hàng các môn học chính, cần thiết và quan trọng; trong khi các môn học khác cũng phải được giảng dạy để làm sáng tỏ rõ ràng mối liên hệ giữa các môn ấy với phụng vụ (x. SC 16).[20] Các giáo sĩ tương lai cũng phải được huấn luyện về phụng vụ cho đời sống thiêng liêng; có nghĩa rằng họ phải nhận được một sự linh hướng thích đáng để có thể lĩnh hội và tham dự những nghi lễ thánh với trọn tâm hồn, cũng như thực hành các việc đạo đức khác đã được thấm nhiễm tinh thần phụng vụ thánh (x. SC 17). [21] Nói cách khác, các Nghị Phụ muốn đào tạo các thừa tác viên phụng vụ đích thực cho Giáo Hội, những thừa tác viên có khả năng cử hành phụng vụ thánh cách thích đáng, không cùng một cách như các vị chủ sự hay các thầy cúng thi hành bổn phận phụng tự trong các niềm tin hay tôn giáo khác. Đề cập đến điểm này không có ý xem thường việc phụng tự của các tôn giáo khác. Tuy nhiên giữa cử hành phụng vụ của Mầu Nhiệm Vượt Qua trong Kitô giáo và các hình thức tế tự trong các tôn giáo có một sự khác biệt căn bản không thể nhầm lẫn hay so sánh được, như Công Đồng đã xác định:

Ðể chu toàn công việc lớn lao ấy, Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ… trong con người của thừa tác viên, vì như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục… (SC 7 – Nhấn mạnh của người viết)

Trong giáo huấn này của Công Đồng, linh mục chủ sự Thánh Lễ đóng vai trò, hay nói đúng hơn, hiện tại hoá sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng trong khi chủ sự bữa Tiệc Ly cùng với các môn đệ, cũng cử hành Hy Lễ Thập Giá đem lại ơn cứu độ “để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11:52; x. 2 Cr 5:11-21). Nhấn mạnh và quảng diễn chiều kích này của cử hành phụng vụ Thánh Lễ, Vatican II tiếp nối và củng cố truyền thống phụng vụ của Giáo Hội từ đầu lịch sử Kitô Giáo cho đến Tridentino. Thật vậy, Công Đồng Tridentino được triệu tập như một nỗ lực để chống lại các tự do thay đổi và lạm dụng do phong trào Cải Cách Tin Lành (Reformation) tạo ra trong các cử hành phụng vụ. Đây là lý do mà Nghi Thức Thánh Lễ theo Công Đồng Tridentino năm 1570[22] được qui định rất nghiêm nhặt và chi tiết về cách linh mục cử hành Thánh Lễ. Hệ quả của việc chấn chính kỷ luật cử hành này là các nghi thức phụng vụ đã dần dần mang tính cách đồng bộ, cứng ngắc và duy luật tuyệt đối. Các linh mục dâng lễ trong vai trò có tính cách độc diễn và quyết định, buộc phải tuân theo tĩ mĩ từng chi tiết của luật chữ đỏ (rubrics) để cử hành trở nên hợp pháp và thành sự. Vatican II đã cố gắng giải gỡ tính cách cứng ngắc duy hình thức này để trả lại vẻ đẹp đích thực và nguyên thuỷ của phụng vụ Kitô Giáo.[23] Nói cách khác, canh tân phụng vụ của Vatican II là một nổ lực trở về nguồn. Thực vậy, ý niệm trở về nguồn – ad fontes – rất được các Nghị Phụ ưa chuộng, trở nên rõ nét và cụ thể trong cách thế Công Đồng canh tân phụng vụ thánh. Các Nghị Phụ đã đòi buộc

phải đơn giản các nghi lễ, dù vẫn trung thành duy trì bản chất của chúng. Phải loại bỏ những gì theo dòng thời gian được tăng thêm nhiều lần hoặc thêm thắt mà ít lợi ích. Phải theo qui tắc cổ điển của các Thánh Giáo Phụ mà tái lập một số những gì xét là ích lợi hoặc cần thiết đã bị mai một theo thời gian (SC 50 – Nhấn mạnh của người viết).

Nơi đây Công Đồng nhắc đến truyền thống phụng vụ của thời các Giáo Phụ. Nói cách khác các Nghị Phụ Công Đồng muốn đưa phụng vụ trở về lại với nguồn gốc và nền tảng các Giáo Phụ, nghĩa là thời kỳ đầu tiên khi Giáo Hội chưa bị chia cắt, còn hoàn toàn độc lập và chưa bị ảnh hưởng bởi các thiên kiến về chính trị và văn hoá cá biệt.[24] Trong ý hướng đưa phụng vụ trở về lại với truyền thống các Giáo Phụ, Vatican II đã mở rộng cửa để chấp nhận vào trong cử hành phụng vụ các vẻ đẹp tinh thần của các nền văn hoá mới, để người tín hữu có thể cảm nghiệm được sâu sắc các điều họ cử hành:

Ngay cả trong Phụng Vụ, Giáo Hội không muốn ấn định một hình thái cứng rắn, thẳng mạch nào, trong những điều không liên quan đến đức tin và thiện ích của toàn thể cộng đoàn. Hơn nữa, Giáo Hội còn tôn trọng cũng như phát huy những vẻ đẹp tinh thần, những đặc tính của những dân nước khác nhau. Bất cứ những gì trong những tập tục của các dân tộc, không liên quan chặt chẽ đến những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với lòng đầy thiện cảm, và nếu có thể, còn được gìn giữ vẹn toàn và vững chắc. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong Phụng Vụ, miễn sao cho chúng hòa hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính (SC 37 – Nhấn mạnh của người viết).

Trong việc canh tân phụng vụ theo định hướng trở về nguồn – ad fontes, vị trí trung tâm của bàn thờ hết sức trọng yếu. Cho dầu các Nghị Phụ đã không trực tiếp đề cập trong Sacrosanctum Concilium, nhưng vì bàn thờ là nơi Hy Lễ Thập Giá được hiện tại hoá và cũng là bàn tiệc thánh, nơi Dân Chúa được mời đến để cùng tham dự Tiệc Chiên Thiên Chúa, nên vị trí của bàn thờ đóng một vai trò quyết định. Việc canh tân phụng vụ của Công Đồng không thể trở nên hiện thực nếu vị trí bàn thờ không được thích nghi để trở thành trung tâm cho cộng đoàn Dân Chúa tụ họp cử hành Tiệc Thánh. Chính vì vậy, một trong những thay đổi đầu tiên được nhìn thấy trong các nhà thờ xây trước Công Đồng, khi phụng vụ canh tân bắt đầu, là bàn thờ được xây lại hay dời về một vị trí để cho toàn thể cộng đoàn phụng vụ có thể tụ tập chung quanh. Đây chính là điều Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma số 262 đã qui định:

Bàn thờ chính phải được xây cách vách tường để có thể dễ dàng đi chung quanh và trên đó có thể cử hành Thánh lễ quay mặt xuống tín hữu. Bàn thờ phải chiếm vị trí nào đó để có thể thực sự là trung tâm, nơi mà tất cả cộng đoàn tín hữu tự nhiên hướng về. (Nhấn mạnh của người viết)

Trước Công Đồng, bàn thờ xây sát vào tường và linh mục cử hành đại diện (quay lưng) cho giáo dân hướng về bàn thờ (phía Đông – ad orientem). Với cải tổ của Vatian II, bàn thờ biểu trưng cho Đức Kitô, trở thành trung tâm cho cộng đoàn cử hành phụng vụ và linh mục trong vai trò của Đức Kitô – Christi Persona, quay mặt hướng về phía giáo dân (ad populum) để cử hành với và cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Với hình thức này Cử Hành Thánh Thể là một hành động của Totus Christus, “được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là Đầu cùng các chi thể Người” (SC 7). Các Nghị Phụ thừa nhận phụng vụ

là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa (SC 10 – Nhấn mạnh của người viết).

Giáo huấn này của Công Đồng cho thấy rằng với việc thay đổi vị trí để bàn thờ trở thành trung tâm của cộng đoàn phụng vụ, các Nghị Phụ cố gắng phục hồi sự hài hoà giữa hai chiều kích căn bản của Thánh Lễ, vừa là Hiến Tế Thập Giá vừa là Bữa Tiệc Của Chúa. Trong Lumen Gentium, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, sự gặp gỡ của hai chiều kích căn bản này của Thánh Lễ được quảng diễn rất rõ nét. Theo các Nghị Phụ, mỗi khi Hiến Tế Thập Giá được cử hành thì ơn cứu độ được hiện tại hoá. Nhưng ngược lại, khi các tín hữu tập họp lại để cử hành mầu nhiệm ơn cứu độ thì Nhiệm Thể Đức Kitô cũng thực sự hiện hữu và hiệp nhất tính của Kitô Giáo trở nên trọn vẹn:

Mỗi lần hy lễ thánh giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó «Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế» (1Cor 5,7), thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Bí tích Thánh Thể cũng biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất các tín hữu, là những kẻ hợp thành một thân thể, trong Chúa Kitô. Mọi người đều được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Kitô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Người, sống nhờ Người và hướng về Người (LG 3 – Nhấn mạnh của người viết).

Chiều kích hy tế khi được kết hợp hài hoà với chiều kích hiệp thông sẽ chiếu toả vẻ đẹp khôn sánh của Thánh Lễ và đồng thời mời gọi sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng Dân Chúa vào Mầu Nhiệm Vượt Qua. Thái độ thờ lạy tôn kính đối các thực tại linh thánh và sự “tham dự lễ bẻ bánh” (TĐCV 2:42), là hai mặt của cùng một hành vi agape, “yêu thương cho đến cùng” (Ga 13:1), không hề xung khắc nhưng bổ túc tuyệt vời cho nhau,[25] như các Nghị Phụ đã xác định:

Trong Bữa Tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thách cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái Chết và sự Sống Lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tinh thần ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta, một vinh quang tương lai (SC 47 – Nhấn mạnh của người viết).

Khi trình bày Thánh Lễ như bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, và mối dây bác ái của các Kitô hữu, Vatican II muốn đề cập đến Giáo Hội như Nhiệm Thể duy nhất đang cùng thi hành chức vụ tư tế thánh của mình. Qua bí tích Thánh Tẩy mọi người Kitô hữu được thông phần vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô để “dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài”(LG 10). Thực vậy khi Thánh Lễ được cử hành, chức Linh Mục thượng phẩm duy nhất của Đức Kitô được biểu lộ trong chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác của phẩm trật,

tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực (LG 10).

Giáo huấn về chức linh mục cộng đồng của người tín hữu giáo dân là một nền tảng quan trọng cho việc canh tân phụng vụ và điểm nhấn độc sáng trong giáo hội học của Công Đồng. Để hiểu và đánh giá được công trình đổi mới phụng vụ của Vatican II, căn tính “hàng tư tế vương giả” (1Pr 2:9) của người tín hữu giáo dân phải được nhìn nhận. Người Kitô hữu nhận lấy phẩm giá linh mục của mình khi họ được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô để “thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình” (LG 31). Để làm rõ vai trò của người tín hữu giáo dân trong việc cử hành Thánh Lễ, Qui Tắc Tổng Quát, đã giải thích về điểm này:

Có một chức linh mục, theo bản tính, khác với chức linh mục thừa tác, cũng phải được coi trọng và hiểu theo đúng ý nghĩa của nó, đó là chức linh mục vương giả của các tín hữu, mà hy lễ thiêng liêng của họ được nên trọn vẹn khi nhờ thừa tác vụ của Giám mục và linh mục được liên kết với hy lễ của Chúa Kitô là Ðấng Trung gian duy nhất. Thật vậy, việc cử hành Thánh Thể là việc của toàn thể Hội Thánh, trong đó mỗi người chỉ làm và làm trọn công việc thuộc về họ, tùy theo cấp bậc của họ trong dân Thiên Chúa. Bởi thế, phải chú trọng hơn đến mấy khía cạnh của việc cử hành, mà qua nhiều thế kỷ, có lúc người ta ít lưu tâm đến. Vì chưng, dân này là dân Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Ðức Kitô, được Chúa quy tụ, được lời Chúa nuôi dưỡng, là dân được kêu gọi để dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của toàn thể gia đình nhân loại, là dân, trong Chúa Kitô, dâng lời tạ ơn về mầu nhiệm cứu độ, khi dâng hy lễ của Chúa Kitô; và, sau hết, là dân liên kết với nhau nên một, nhờ việc thông hiệp với Mình và Máu Ðức Kitô. Dân này, mặc dầu từ nguồn gốc đã là thánh, nhưng nhờ tham dự ý thức, tích cực và hữu hiệu vào mầu nhiệm Thánh Thể, sẽ liên lỉ tấn tới trên con đường thánh thiện (GIMR 5).

Cũng trong cùng một cách thế qua đó hàng giáo sĩ thực thi chức tư tế thừa tác trong và cho toàn thể Dân Chúa, người tín hữu giáo dân cũng thực thi chức tư tế cộng đồng với cách thế riêng của mình trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Trước Vatican II, khi nói đến “dân Chúa”, thường là hiểu một khối tín hữu hay chỉ đến tầng lớp giáo dân, những người không có chức thánh, để phân biệt hay đối lại với phẩm trật hay hàng giáo sĩ. Trong từ ngữ và quan niệm giáo hội học của Vatican II, Dân Chúa (Populum Dei) bao gồm tất cả những ai thuộc về Dân Giao Ước Mới, những người được tháp nhập vào Nhiệm Thể Đức Kitô (x. LG 13), không phân biệt phẩm trật, giáo dân hay tu sĩ.[26] Quan điểm giáo hội học đổi mới này ảnh hưởng và sửa đổi cách thức tham gia vào cử hành Bữa Tiệc Thánh. Tất cả đều hiệp thông trong một hành vi duy nhất của Đức Kitô Linh Mục, mỗi người trong cách thế riêng của mình, không tranh chấp loại trừ nhau.[27] Sự khác biệt giữa chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác được nhìn thấy trong khi thi hành việc tiến dâng của lễ nhưng duy nhất tính của Dân Thiên Chúa hiện rõ nét trong sự hiệp lễ, khi tất cả cùng chia sẻ một tấm bánh và một chén cứu độ:

Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1 Cr 10:16-17 – Nhấn mạnh của người viết).

Đây là bản văn Kinh Thánh có thể được xem như nền tảng cho thần học giáo lý về mầu nhiệm hiệp thông của Bí Tích Thánh Thể, xuất hiện rất sớm trong Tân Ước, được trích dẫn từ thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi tín hữu Corinthô, được viết khoảng năm 53 đến 57 AD. Hiệp lễ (hay rước lễ) trong tiếng Việt, có nguồn gốc từ chữ communio trong tiếng Latinh, đã xuất hiện hai lần trong đoạn văn vừa trích. Nguyên ngữ chữ communio thánh Phaolô dùng là κοινωνια (koinonia) và được dịch là “dự phần” trong phiên bản tiếng Việt. Để quảng diễn ý niệm thần học về koinonia của thánh Phaolô và cũng để giúp các tín hữu hiểu được nền tảng cũng như chiều sâu của sự hiệp lễ, mầu nhiệm hiệp thông trong Đức Kitô, các Nghị Phụ dùng những hình ảnh và từ ngữ hết sức sâu sắc và trang trọng:

Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này (LG 11 – Nhấn mạnh của người viết).

Trong giáo huấn này, các Nghị Phụ đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa duy nhất tính của Dân Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Giáo Hội và sự hiệp thông hoàn hảo trong Bí Tích Mình Thánh Chúa. Muốn hiểu được giáo lý về hiệp lễ được đề cập ở đây cần phải hiểu ý niệm đổi mới về căn tính của Giáo Hội. Trước Vatican II, Giáo Hội thường được hiểu là một xã hội hoàn hảo – societas perfecta, với các cơ cấu và phẩm trật vững chắc của một tổ chức hữu hình lý tưởng. Các Nghị Phụ Công Đồng đã thay đổi hướng nhìn và giới thiệu hình ảnh Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa, tập trung chung quanh và qui hướng về Đức Kitô. Cái nhìn đổi mới này của Vatican đã sửa đổi tận căn quan hệ giữa các thành phần trong Giáo Hội, như chúng ta đã đề cập. Tuy nhiên, điểm canh tân quan trọng nhất trong giáo hội học của Vatican II, chính là việc các Nghị Phụ đã nhìn Giáo Hội trong Chúa Kitô “như một bí tích… của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”(LG 1). Như vậy, Giáo Hội trong giáo huấn của Công Đồng là Bí Tích – Mầu Nhiệm (Sacramentum – Mysterion) của sự kết hợp – hiệp thông (communio – koinovia). Nói cách khác, Giáo Hội không phải chỉ là tác nhân cử hành các bí tích, nhưng Giáo Hội chính là Bí Tích Hiệp Thông và Mầu Nhiệm liên kết con người với Thiên Chúa. Khi trở nên dấu chỉ và khí cụ của mầu nhiệm hiệp thông, Giáo Hội chính là đích đến của lịch sử cứu độ và là kết quả của toàn thể công trình tái tạo trong Đức Kitô, như Công Đồng quảng diễn:

Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn bị như thế đã được tiên báo trong dân Cựu Ước qua những kỳ công vĩ đại của Chúa nay lại được Chúa Kitô hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm phục sinh của cuộc Khổ Nạn hồng phúc, việc Sống Lại từ cõi chết và Lên Trời vinh hiển của Người. Nhờ đó «Người đã chết để tiêu diệt sự chết cho chúng ta và sống lại để tái lập sự sống. Vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo Hội (SC 5 – Nhấn mạnh của người viết).

Đi sâu vào giáo huấn căn bản này của Công Đồng về căn tính bí tích của Giáo Hội để hiểu được lý do và nền tảng cho điều khuyên bảo hết sức ân cần của các Nghị Phụ, là “các tín hữu tham dự Thánh Lễ hoàn hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy Lễ đó” (SC 55). Nơi đây các Nghị Phụ khuyến khích các tín hữu hoàn tất việc dâng Lễ bằng việc rước lễ.[28] Trong Thánh Lễ, việc linh mục (chủ tế) kết hiệp với Mình và Máu Thánh Đức Kitô có thể nói được là tột đỉnh của cử hành. Điều này, cũng phải gần như đồng nghĩa với tất cả những ai tham dự cử hành Thánh Lễ với tinh thần của phụng vụ canh tân, i.e. Thánh Lễ không thể trở nên trọn vẹn nếu thiếu hiệp lễ. Còn bị chi phối bởi “tâm thức xem lễ” nhiều người Kitô hữu vẫn trung thành tham dự Thánh Lễ, nhưng chưa xem trọng việc rước lễ. Thực ra, với việc khuyến khích rước lễ thường xuyên và có thể rước lễ dưới hai hình[29] mỗi khi tham dự Thánh Lễ, Vatican II cố gắng phá bỏ một truyền thống và thực hành đạo đức sai lệch đã có nguồn gốc từ thời Trung Cổ được củng cố bởi lạc giáo Jansenism thế kỷ XIX.[30]

Điều có thể đã thường xảy ra là, trong giáo lý về Thánh Lễ, chiều kích linh thánh cũng như giá trị cực trọng của Bí Tích Thánh Thể được quảng diễn và nhấn mạnh, nhưng không đi đôi với việc chuyển đạt đầy đủ về mầu nhiệm hiệp thông và chiều sâu vô tận của tình yêu hiến dâng của Con Chiên Thiên Chúa trong bữa tiệc agape. Đó có thể là lý do khiến cho việc rước lễ đã trở nên thứ yếu hoặc thậm chí không cần thiết cho một số Kitô hữu khi tham dự Thánh Lễ. Cũng như linh mục không thể cử hành Thánh Lễ hoàn hảo nếu chính chủ tế không kết hiệp với Hy Lễ ngài tiến dâng, các tín hữu cũng chỉ là “những khách bàng quang, câm lặng” (SC 48), nếu không “lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy Lễ đó” (SC 55). Điểm mới trong giáo huấn về hiệp lễ của phụng vụ canh tân là các Nghị Phụ muốn các tín hữu phải được chia sẻ (hiệp lễ) trong cùng chính một Hy Lễ với linh mục chủ tế.[31] Nói cách khác, theo nguyên tắc của phụng vụ canh tân, các tín hữu mỗi lần tham dự cử hành thì phải được lãnh nhận Hy Lễ “mới”, là bánh và rượu được biến thành Mình và Máu Đức Kitô trong Thánh Lễ họ tham dự để cử hành.[32] Thực hành này sẽ diễn tả mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội một cách tuyệt vời và trọn vẹn trong hành vi hiệp lễ khi các tín hữu cùng thông phần vào một tấm bánh và một chén được tiến dâng.
Khi việc rước lễ được thực hành với tất cả ý thức và lòng tin, sự kết hợp trọn vẹn với Mình Máu Thánh Chúa biến các Kitô hữu thành những bình thánh mang Chúa, những nhà tạm sống động. Thực vậy, cũng như Nhà Tạm là nơi Mình Thánh Chúa được cất giữ sau mỗi cử hành[33], để có thể dùng cho các bệnh nhân hay những người không thể hiện diện, mỗi Kitô hữu sau khi hiệp lễ cũng biến thành một nhà tạm bằng xương bằng thịt mang lấy Đức Kitô. Lời chào kết lễ – Ite, missa est[34] – là một lệnh truyền xuất hành để các nhà tạm này ra đi khiến cho nhiệm tích thông hiệp – koinonia của Đức Kitô có mặt trong mọi môi trường sống và sinh hoạt của người Kitô hữu.

  • Vẻ Đẹp Thực Sự Của Phụng Vụ Kitô Giáo

Gần 60 năm sau khi Sacrosanctum Concilium được công bố, Desiderio Desideravi đã xuất hiện để góp mặt vào kho tàng Giáo Huấn của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô có thể nói được rất khiêm tốn trong khi trình bày lý do hiện hữu của Tông Thư. Ngài đã không hứa hẹn sẽ đóng góp điều gì mới lạ to lớn cho Huấn Quyền hay cho nền thần học về phụng vụ, “nhưng đơn sơ chỉ là muốn đưa ra một vài hướng suy tư có thể giúp ích cho việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chân lý trong cử hành Kitô giáo” (DD1).

Để các tín hữu Kitô cảm nghiệm được vẻ đẹp của phụng vụ, trước hết sự ao ước gặp gỡ Đức Kitô phải được củng cố trong đức tin của mỗi một người. Theo Đức Thánh Cha, sự tiếp xúc với Ngôi Lời Nhập Thể trong các biến cố sinh ơn cứu độ của Người “chứa đựng tất cả vẻ đẹp đầy năng lực của phụng vụ” (DD 10). Đức tin Kitô giáo không phải chỉ là một khái niệm, một ý tưởng, một suy nghĩ, thậm chí cũng không phải chỉ một tưởng nhớ qua ký ức của các Tông Đồ. Đức tin Kitô giáo là cuộc gặp gỡ Đức Kitô hằng sống, và phụng vụ bảo đảm và biến cuộc gặp gỡ này trở thành hiện thực cho các tín hữu. Đức Thánh Cha đã quảng diễn quan điểm căn bản độc sáng này của niềm tin Kitô Giáo bằng những lờ lẽ hết sức cụ thể và mạnh mẽ:

Một ký ức trống rỗng về Bữa Tiệc Ly sẽ chẳng ích gì cho chúng ta. Chúng ta cần hiện diện trong bữa ăn này, để có thể nghe Lời Chúa, để ăn Mình và uống Máu Người. Chúng ta cần Người. Trong bí tích Thánh Thể và trong tất cả các bí tích, chúng ta chắc chắn có thể gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm nhận được quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua. Quyền năng cứu độ của hy tế, của từng lời nói, từng cử chỉ, từng dáng vẻ, từng tâm tình của Chúa Giêsu, đến với chúng ta qua việc cử hành các bí tích (DD 11).

Để có thể cảm nghiệm và tát cạn những chiều kích sâu thẳm của cuộc gặp gỡ mà phụng vụ bí tích đem lại, mỗi một và tất cả các tín hữu phải sống trong và kết hợp với Giáo Hội là chính Bí Tích Cứu Độ và Mầu Nhiệm Hiệp Thông của Thiên Chúa cho nhân loại.[35] Trước khi Giáo Hội cử hành các bí tích thì chính Giáo Hội là Bí Tích. Đây là giáo huấn quan trọng của Vatican II mà chúng ta đã đề cập. Desiderio Desideravi dùng lại giáo huấn số 5 của Sacrosanctum Concilium đề cập đến việc Giáo Hội xuất phát từ Đức Kitô để trở nên bí tích cứu độ cho thế giới. Tuy nhiên, Tông Thư đã tô đậm hơn hình ảnh Giáo Hội là Eva mới được sinh ra từ cạnh sườn của Đức Kitô, Adam mới, đang hấp hối trên Thập Giá, để nói lên sự kết hợp mật thiết của Giáo Hội với Đức Kitô (x. DD 14), bởi vì nếu không

có sự kết hợp này, sẽ không có khả năng sống trọn vẹn việc phụng thờ Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có một hành động thờ phượng hoàn hảo và đẹp lòng Chúa Cha, đó là sự vâng phục của Chúa Con đến độ chết trên thập giá. Cách duy nhất để thông phần vào hiến lễ của Người là trở thành “những người con trong Chúa Con”. Đây là món quà mà chúng ta đã lãnh nhận. Chủ thể duy nhất hoạt động trong Phụng vụ luôn luôn là Đức Kitô – Giáo Hội là Nhiệm thể của Người (DD 15).

Như đã đề cập, Desiderio Desideravi xuất hiện như một lời mời gọi tái khám phá công cuộc cải tổ phụng vụ của Thánh Công Đồng Chung Vatican II. Nói cách khác Tông Thư là một lời khẳng định của Huấn Quyền hiện tại công nhận các nguyên tắc canh tân của Hiến Chế Sacrosanctum Concilium như là nền tảng cho việc cải cách phụng vụ và thăng tiến các giá trị siêu việt của cử hành Kitô Giáo. Thực vậy, trong suốt Tông Thư, Sacrosanctum Concilium, Hiến Chế về Phụng Vụ của Công Đồng, đã được trích dẫn và đối chiếu rất nhiều lần.[36] Đức Phanxicô đã không che giấu ý định của ngài là

mời gọi toàn thể Hội Thánh khám phá lại, bảo toàn và sống những ý nghĩa xác thực cũng như sức mạnh của các cử hành phụng vụ Kitô giáo. Tôi muốn vẻ đẹp và những hiệu năng cần thiết của việc cử hành Kitô giáo trong đời sống của Hội Thánh không bị biến dạng bởi một sự hiểu biết hời hợt và giản lược về giá trị, hoặc thậm chí tệ hơn, bởi việc biến Phụng vụ thành công cụ phục vụ một quan điểm ý thức hệ, dù quan điểm ấy có như thế nào đi nữa. Lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly “để tất cả nên một” (Ga 17,21), đang phán xét những chia rẽ của chúng ta chung quanh tấm Bánh được bẻ ra… (DD 16 – Nhấn mạnh của người viết).

Cử hành phụng vụ Thánh Thể phải là đích điểm nơi đó mầu nhiệm thông hiệp Kitô Giáo được diễn tả cách trọn vẹn. Cũng như Tự Sắc Traditionis Custodines, Tông Thư Desiderio Desideravi là một nỗ lực của Huấn Quyền hiện tại để bảo vệ sự hợp nhất trong cử hành phụng vụ Thánh Thể, bởi vì sự hợp nhất của cử hành phụng vụ cũng chính là sự hợp nhất của Giáo Hội. Theo Tông Thư, khi cộng đoàn tín hữu để cho những suy nghĩ và chọn lựa mang tính ý thức hệ, cho dù là bảo thủ hay cấp tiến, duy truyền thống hay duy hiện đại (modernism), xen vào các cử hành phụng vụ, ý nghĩa và vẻ đẹp thât sự của cử hành Kitô giáo bị xoá mờ. Nhưng nguy hiểm nhất là sự phân hoá trở nên hiện thực và lớn mạnh trong đời sống Giáo Hội có thể bắt nguồn từ “những chia rẽ của chúng ta chung quanh tấm Bánh được bẻ ra”. Nơi đây Tông Thư muốn nói đến “phản ứng ngược” của việc cử hành Thánh Lễ một cách thiếu hiểu biết hay với những ý hướng không phù hợp. Đúng ra, khi Thánh Lễ là “bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua” (SC 47), được cử hành thì dấu chỉ của sự thông hiệp được hiển hiện và trở nên vững chắc, nhưng điều ngược lại nhiều khi đã xảy ra. Một khi công đoàn phụng vụ bị phân hoá ngay trong cách cử hành thì mối giây thông hiệp và duy nhất tính của Dân Chúa bị đe doạ trầm trọng. Thực ra hiện tượng này không có gì là mới lạ. Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai thánh Phaolô đã phải khiển trách và cảnh cáo các tín hữu Corintho, bởi vì

những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng. Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa… Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu! (1Cr 11:17-20.22)

Suốt trong dòng lịch sử Giáo Hội, điều xảy ra cho công đoàn Côrintô vẫn tiếp tục tái diễn, cho dầu mang nhiều hình thức phức tạp và ẩn dưới nhiều điều kiện khác nhau. Trong chiều kích của bài viết, chúng ta không bàn đến sự bất đồng và lạm dụng chung quanh Bàn Thánh đã tạo nên các cuộc ly giáo trong lịch sử Giáo Hội. Tuy nhiên, như đã đề cập, những thêm thắt biến hoá tiêu cực trong một số giai đoạn của lịch sử đã làm cho Bữa Tiệc Thánh của mầu nhiệm hiệp thông trong Đức Kitô biến thành phương thế cho sự tranh chấp cũng như nơi chốn để sự chia cách giai cấp xã hội và giáo hội được thể hiện rõ nét. Đã có lúc phụng vụ Thánh Thể không phải là một cử hành của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa mà biến thành một hí trường, trong đó có thành phần trình diễn và có khán giả để xem. Công cuộc canh tân phụng vụ của Vatican II cố gắng để loại bỏ các yếu tố tiêu cực do tiến trình cá nhân hoá hay giáo sĩ hoá này. Đức Thánh Cha lập lại và quảng diễn nỗ lực này của Công Đồng bằng những lời lẽ rất sát với thực tế:

Việc cử hành phụng vụ không thuộc về cá nhân nhưng thuộc về Đức Kitô-Hội Thánh, về toàn thể các tín hữu hợp nhất trong Đức Kitô. Phụng vụ không nói “tôi” mà nói “chúng tôi” và những hạn chế đối với tính cách “chúng tôi” này luôn luôn là do ma quỷ. Phụng vụ không để chúng ta đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng nắm lấy tay chúng ta, cùng với mọi người, trong cộng đoàn, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích bày tỏ cho chúng ta (DD 19 – Nhấn mạnh của người viết).

Theo Tông Thư, liều thuốc hiệu nghiệm để chữa trị các tiêu cực của phụng vụ là khám phá lại vẻ đẹp đích thực của các cử hành Kitô giáo đã được mô tả cách tuyệt vời trong số 7 của Sacrosanctum Concilium. Chúng ta đã bàn và trích dẫn số 7 của Hiến Chế ở phần trên và thích thú để nhận ra rằng Đức Phanxicô rất ưa chuộng và đánh giá cao giáo huấn của bản văn này. Trong Tông Thư ngài đã đề cập và trích dẫn số 7 của Sacrosanctum Concilum nhiều lần. Ở đây ngài qui chiếu về bản văn của Công Đồng để chiêm ngắm

chức năng tư tế của Đức Kitô, được mặc khải và trao ban trong Mầu nhiệm Vượt Qua của Người, được hiện tại hóa và tác động qua những dấu chỉ hữu hình… để Thần Khí dìm sâu chúng ta vào mầu nhiệm Vượt Qua, và biến đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (DD 21 – Nhấn mạnh của người viết).

Đức Thánh Cha đã cố gắng để giúp cộng đoàn Kitô hữu, cả giáo dân lẫn linh mục liên tục tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ bằng việc tránh hai thái cực trong khi cử hành. Trước hết là chủ trương cho rằng vẻ đẹp phụng vụ hệ tại ở việc phô diễn nghi lễ bằng cách cẩn thận tuân thủ các nghi thức bên ngoài hoặc tỉ mỉ giữ đúng luật chữ đỏ. Ngược lại có những người cả giáo sĩ lẫn giáo dân tham gia cử hành phụng vụ thánh với sự tầm thường bất cẩn, thiếu hiểu biết. Cả hai thái độ đều ngăn cản không cho những người tin có thể hội nhập và thông phần cách trọn vẹn với mầu nhiệm họ cử hành (x. DD 22). Muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp thực sự và chìm sâu vào trong đại dương tràn ngập ân sủng của cử hành phụng vụ, cần phải tạo cho mình một thái độ ngỡ ngàng thán phục mỗi lần mầu nhiệm Vượt Qua được hiện tại hoá qua các dấu chỉ bí tích. Nhưng đây không phải đơn giản chỉ là một thái độ nội tâm bởi vì thái độ chủ quan trống rỗng không giúp để đón nhận mầu nhiệm Kitô giáo. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong cử hành phụng vụ

không phải là kết quả của một cuộc tìm kiếm nội tâm cá nhân, nhưng là một tặng phẩm: chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua một hành động mới của việc Nhập thể đạt đến mức tận cùng trong Bữa Tiệc Ly là muốn được trở thành của ăn nuôi dưỡng chúng ta. Lẽ nào chúng ta lại đánh mất niềm hạnh phúc khi để mình không còn bị lôi cuốn trước vẻ đẹp của tặng phẩm này…(DD 24).

Cử hành phụng vụ Thánh Thể, như vậy, là cảm nghiệm và lãnh nhận vẻ đẹp cũng quà tặng của Thiên Chúa trong và cùng với toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Tông Thư nhắc nhở người tín hữu phải biết phân biệt giữa việc đạo đức cá nhân với cử hành phụng vụ. Sự hiểu lầm hay trộn lẫn hai thực tại này có thể vẫn còn thấy nơi một số các thừa tác viên phẩm trật lẫn người tín hữu giáo dân. Những quan niệm hay thói quen đạo đức cá nhân của các thừa tác viên phẩm trật không được phép dùng để áp đặt lên cách cử hành phụng vụ của cộng đoàn. Có những linh mục hay tu sĩ sống theo tu đức khổ hạnh, đã để cho những thực hành tu đức riêng tư của mình ảnh hưởng đến nghi thức cử hành Thánh Lễ. Về điểm này, Tông Thư đã khẳng quyết:

Phụng vụ không liên quan gì đến chủ nghĩa luân lý khổ hạnh. Đây là một tặng phẩm của mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh, để khi ngoan ngoãn đón nhận, cuộc sống chúng ta sẽ được đổi mới. Chúng ta bước vào nhà Tiệc ly chỉ vì được thu hút bởi nỗi khao khát của Chúa muốn ăn Lễ Vượt Qua với chúng ta… (DD 20 – Nhấn mạnh của người viết).

Một khi đã đi sâu được vào giáo lý của mầu nhiệm Thánh Lễ, mỗi người tham gia cử hành sẽ dễ nhìn nhận rằng phụng vụ Thánh Thể là một cử hành của toàn thể cộng đoàn, nên mỗi thành phần Dân Chúa có cách thế riêng của mình để tham gia vào cử hành mầu nhiệm thánh. Không thể bắt các em thiếu nhi tham gia Thánh Lễ trong cùng một cách thế của các tu sĩ dòng kín.[37] Không thể cấm giới trẻ cử hành Thánh Lễ với các loại âm nhạc họ ưa thích và đã được Giáo Hội cho phép.[38] Khi người Kitô hữu đến với phụng vụ thánh trong thái độ ngỡ ngàng thán phục đúng nghĩa, họ sẽ hiểu được điều các Nghị Phụ đã khẳng quyết về việc cử hành phụng vụ là một “hành vi chí thánh và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (SC 7).

Các tín hữu cần phải được chuẩn bị và huấn luyện để đến tham dự cử hành Thánh Lễ ngày Chúa Nhật không phải trong cùng một cách thế như khi tham dự giờ chầu Chúa, viếng đàng Thánh Giá hay lần hạt Môi Khôi. Tông Thư nhấn mạnh rằng vẻ đẹp và giá trị hiện thực của phụng vụ thánh chỉ được khám phá và cảm nghiệm bằng cách để cho mình được lôi cuốn tiến đến gần những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể. Nơi đây Đức Thánh Cha muốn giúp các Kitô hữu vượt qua một sự ngộ nhận mà những người chống đối vẫn thường dùng để chỉ trích và bôi xấu việc cải tổ phụng vụ của Công Đồng Vatican II. Trước khi phụng vụ Thánh Lễ được cải tổ, người Công Giáo đạo đức, vì không hiểu tiếng Latinh, không thể theo dõi các cử hành, đã vừa xem lễ vừa lần chuỗi môi khôi hay làm các việc đạo đức cá nhân khác. Điều này có thể vẫn còn đang được thực hành bởi những người giáo dân duy truyền thống tiếp tục tham dự cử hành nghi lễ Tridentino. Khi không hiểu và tham gia tích cực vào cử hành, những người mộ đạo chỉ đến với phụng vụ với thái độ cung kính thờ lạy, để tìm nơi đó một cảm thức mơ hồ về mầu nhiệm, theo cách diễn tả của Tông Thư (x. DD 25). Chỉ với sự ngỡ ngàng thán phục đúng nghĩa, người Kitô hữu trong trong cử hành phụng vụ mới có thể cảm nghiệm được vẻ đẹp và chân lý “luôn khơi dậy sự ngưỡng mộ và khi liên quan đến mầu nhiệm Thiên Chúa, sẽ trở thành thái độ tôn thờ” (DD 25). Việc đào tạo giáo dục về phụng vụ như vậy sẽ giúp tháo gỡ các rào cản và trả lời các vấn nạn, như Đức Thánh Cha khẳng định:

Việc không chấp nhận cũng như hiểu biết hời hợt về việc cải cách phụng vụ, làm chúng ta sao lãng nhiệm vụ tìm lời giải đáp cho câu hỏi tôi muốn lặp lại ở đây: làm thế nào để chúng ta tăng thêm khả năng sống trọn vẹn các hành động phụng vụ? Làm thế nào để chúng ta có thể tiếp tục ngỡ ngàng thán phục trước những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta trong các cử hành phụng vụ? Chúng ta cần thực hiện việc đào tạo phụng vụ cách nghiêm túc và gắn liền với cuộc sống (DD 31).

Tuy nhiên đối với các thừa tác viên cũng như đối với người tín hữu giáo dân, việc đào tạo phụng vụ không phải là điều có thể đạt được một lần cho tất cả. Vì ân huệ của mầu nhiệm được cử hành vượt quá khả năng hiểu biết của con người, nên đòi hỏi phải có một “chương trình thường huấn, đào tạo trường kỳ, với thái độ khiêm nhường của những kẻ bé mọn, một thái độ sẽ mở ra thành ngưỡng mộ thán phục”(DD 38). Tiến trình đào tạo phụng vụ sẽ dẫn đưa Dân Chúa dần dần đi sâu vào các mầu nhiệm thánh. Tuy nhiên để có thể cử hành và cảm nghiệm được vẻ đẹp cũng như chiều kích toàn bích của phụng vụ, phải cần đến ars celebrandi – nghệ thuật cử hành. Ý nghĩa của ars celebrandi theo Đức Thánh Cha sẽ “trở nên rõ ràng nếu chúng ta tham khảo ý nghĩa thần học của Phụng vụ được mô tả trong số 7 của Sacrosanctum Concilium” (DD 48). Một lần nữa Đức Phanxicô lại dùng SC 7 để chuyển tải thông điệp căn bản về cử hành phụng vụ của ngài. Desiderio Desideravi nhấn mạnh nghệ thuật cử hành không phải chỉ áp dụng cho “các thừa tác viên đã lãnh chức thánh đang thực hiện nhiệm vụ của vị chủ sự”, nhưng là cho “tất cả những người đã được rửa tội” (DD 51). Nghệ thuật này trước hết tạo nên hình ảnh nhất quán cho tất cả mọi cử chỉ của công đoàn phụng vụ, khi tất cả

cùng làm một cử chỉ như nhau, tất cả cùng chung một giọng nói – điều này truyền tải cho mỗi cá nhân năng lượng của toàn thể cộng đoàn. Đó là sự đồng nhất không làm chết đi mà trái lại, dạy cho từng cá nhân tín hữu khám phá ra tính duy nhất đích thực của nhân vị, không phải trong thái độ cá nhân chủ nghĩa nhưng trong nhận thức về việc tất cả là một thân thể… Đây là những cử chỉ và lời nói làm lắng đọng thế giới nội tâm trong chúng ta, giúp chúng ta sống những cảm xúc, thái độ, hành vi nào đó. Những cử chỉ và lời nói đó không phải là lời giải thích về một lý tưởng mà chúng ta đang kiếm tìm để gợi lên cho chúng ta những tâm tình cảm nghĩ, nhưng thay vào đó, là một hành động của thân xác trong trạng thái toàn vẹn, nghĩa là trong con người toàn diện với cả thân xác và linh hồn (DD 51 – Nhấn mạnh của người viết).

Các Nghị Phụ Công Đồng đã đề cao cử hành phụng vụ là một hành vi của Totus Christus – Đức Kitô Toàn Thể. Tiếp nối và quảng diễn ý niệm này của Công Đồng, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến cách toàn diện của thân xác và linh hồn trong cử hành phụng vụ. Và trong số các động tác nghi lễ dành cho toàn thể cộng đoàn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vị trí quan trọng tuyệt đối của thinh lặng. Sự thinh lặng của phụng vụ thánh có một chiều kích độc sáng không thể nhầm lẫn với sự thinh lặng của các việc suy niệm riêng tư. Theo Tông Thư, thinh lặng của phụng vụ “không phải là nơi ẩn náu để thu mình trong một kiểu cô lập nội tâm nào đó, như thể muốn rời khỏi những nghi thức làm phân tâm chia trí”, và sự im lặng như một nhu cầu của cá nhân đôi khi “mâu thuẫn với bản chất của cử hành phụng vụ” (DD 52).[39] Thinh lặng trong Phụng vụ giúp nhận ra sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động toàn bộ việc cử hành. Nhờ thinh lặng phụng vụ, chúng ta trở nên sẵn sàng để được Chúa Thánh Thần uốn nắn và làm cho chúng ta trở nên tấm Bánh được bẻ ra (x. DD 52).

Ars celebrandi cũng là một nghệ thuật để giúp cử hành Phụng Vụ Lời Chúa, “để công bố Lời, lắng nghe Lời, để Lời Chúa khơi nguồn cho lời cầu nguyện của chúng ta, để Lời Chúa trở thành chính cuộc sống của chúng ta” (DD 53). Nơi đây Tông Thư muốn nhắc nhở một điểm căn bản trong phụng vụ canh tân của Vatiacan II là phục hồi vị trí thích đáng cho phụng vụ Lời Chúa trong tương quan với phụng vụ Thánh Thể.[40] Sacrosanctum Concilium số 24 đã dạy rằng trong việc cử hành phụng vụ,

Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng… Chính nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của Thánh Kinh cũng làm xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài phụng ca, đồng thời còn làm cho những động tác và các biểu hiệu trở thành ý nghĩa. Vì vậy, để xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng Vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động…

Khi tất cả những chiều kích này của cử hành phụng vụ được quan tâm gìn giữ, không phải như những hình thức bên ngoài, nhưng ăn sâu vào đời sống nội tâm thì cử hành phụng vụ “sẽ hình thành nhân cách Kitô hữu của mỗi cá nhân và của cả cộng đoàn” (DD 53). Tuy nhiên cộng đoàn phụng vụ không thể phát huy được ars celebrandi, nếu các thừa tác viên chức thánh không tát cạn ý nghĩa và trau dồi nghệ thuật thánh này. Cũng như các Nghị Phụ của Công Đồng đã hết sức thẳng thắn khi phát biểu rằng “sẽ không có một tia hy vọng nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của Phụng Vụ cũng như không đủ khả năng để giảng dạy…” (SC 14), Đức Thánh Cha cũng hết sức thẳng thắn trong mô tả của ngài về các thừa tác viên phẩm trật hoặc quá “khắc khổ cứng nhắc hoặc sáng tạo quá đáng, thần bí hóa hoặc duy chức năng, nhanh chóng vội vàng hoặc chậm chạp quá mức, bất cẩn cẩu thả hoặc tỉ mỉ cực đoan, thân thiện quá mức hoặc vô cảm lạnh lùng” (DD 54). Theo Đức Thánh Cha thì nguồn gốc của những sai sót lạm dụng này là “thái độ đề cao bản thân trong phong cách cử hành, đôi khi thể hiện cách lộ liễu thói tật muốn trở thành trung tâm của sự chú ý” (DD 54).

  • Thay Cho Lời Kết

Chúng ta hãy từ bỏ những cuộc tranh luận để cùng nhau lắng nghe điều Thánh Thần đang nói với Hội Thánh. Chúng ta hãy bảo toàn sự hiệp thông. Hãy tiếp tục ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Phụng vụ. Mầu nhiệm Vượt Qua đã được ban cho chúng ta. Chúng ta hãy đặt mình vào trong nỗi khao khát của Chúa muốn tiếp tục ăn Lễ Vượt Qua với chúng ta… (DD 65).

Với những lời chứa chan tình phụ tử này, Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc sứ điệp ngài muốn gởi đến toàn thể Giáo Hội và mỗi một người chúng ta. Toàn bộ nội dung dài của Desiderio Desideravi chuyển tải một lời nhắn nhủ. Thánh Công Đồng Chung Vatican II dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã khởi sự công cuộc canh tân phụng vụ để phục hồi và bồi đắp vẻ đẹp nguyên sơ và toàn bích cho phụng vụ Kitô giáo. Vẻ đẹp này không hệ tại nơi các áo lễ hay chén thánh quí giá đắt tiền, thậm chí cũng phải nơi thánh đường nguy nga và bàn thờ trang trí đầy bông hoa lộng lẫy. Vẻ đẹp đích thực của phụng vụ Kitô giáo chính là hình ảnh của cộng đoàn những người mang dấu ấn cứu chuộc tụ tập chung quanh ngai toà của Con Chiên Thiên Chúa. Đó là vẻ đẹp mà sách Khải Huyền của thánh Gioan đã mô tả, vẻ đẹp của

một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên… Họ lớn tiếng tung hô: «Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta .» Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai…Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô… Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! A-men! (Kh 7:9-12).

Đây không phải chỉ là viễn cảnh của Bữa Tiệc Cánh Chung, nhưng đây cũng chính là hành vi phụng vụ vĩnh cửu được cử hành nơi Thiên Quốc. Thực tại của trời cao này cũng mang lấy chiều kích hiện thực trần thế mỗi khi cộng đoàn Dân Chúa tụ họp để cử hành mầu nhiệm Chiên Vượt Qua. Vẻ đẹp của cử hành Hiến Tế Kitô giáo phát xuất từ lễ phẩm là bánh và rượu của những người nông dân lao động mang đến bàn thờ trần thế mỗi ngày. Những lễ vật từ “hoa màu ruộng đất và lao công của con người” này khi được dâng tiến để trở nên Mình và Máu Con Chiên Cứu Chuộc, sẽ được “Sứ Thần dâng… lên bàn thờ cao sang trước Tôn Nhan uy linh Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể I). Như vậy Phụng Vụ Thánh Thể là cử hành của thời gian và vĩnh cửu, vì khi bánh và rượu biến nên Mình và Máu Con Thiên Chúa, thì các thực tại và biểu thức của trần gian cũng mang lấy chiều kích thiên đàng. Các Nghị Phụ của Vatican II đã diễn tả mối quan hệ mật thiết giữa phụng vụ trần thế và phụng vụ thiên quốc khi khẳng định rằng

sự hiệp nhất của chúng ta với Giáo Hội trên trời được thực hiện cách hết sức cao cả, đặc biệt trong Phụng Vụ, ở đó quyền năng Thánh Thần hoạt động trên chúng ta qua các dấu chỉ bí tích, ở đó chúng ta cùng lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa uy linh, và tất cả mọi người thuộc mọi chi tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia được cứu chuộc trong máu Chúa Kitô, hợp nhau trong một Giáo Hội duy nhất, đồng thanh chúc tụng một Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi vậy, khi cử hành lễ hy tế tạ ơn, chúng ta kết hợp rất mật thiết với việc thờ phượng của Giáo Hội trên trời, vì hiệp cùng Giáo Hội, chúng ta kính nhớ trước hết Ðức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng Trinh, sau là Thánh Giuse, các Thánh Tông Ðồ và Tử Ðạo cùng toàn thể các Thánh (LG 50).


[1] Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập và chính thức khai mạc Công Đồng ngày 11 tháng 10 năm 1962. Ngài từ trần 6 tháng sau khi kỳ họp đầu tiên bế mạc và người kế vị là Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI tiếp tục điều khiển và kết thúc Công Đồng. Khi Đức Phaolô VI qua đời năm 1978, Hồng Y Giáo Chủ Venise, Albino Luciani, được bầu lên kế vị. Ngài đã lấy tên của hai vị tiền nhiệm làm danh hiệu cho triều đại của ngài để nói lên quyết tâm thực hiện giáo huấn của Thánh Công Đồng. Cho dầu chỉ điều khiển Giáo Hội vỏn vẹn có 33 ngày, Á Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã khởi sự những cải tổ tạo nên bước ngoặc quan trọng cho việc canh tân Giáo Hội theo tinh thần Vatican II. Đức Tổng Giám Mục Wojtyla của Krakow Balan, vị Hồng Y không phải gốc Ý đầu tiên kể từ thời Đức Andrian thế kỷ XVI, được bầu làm Giáo Hoàng tháng 10 năm 1978. Tân Giáo Hoàng đã lấy lại tên của vị tiền nhiệm cho triều đại của mình. Là một trong các nghị phụ trẻ của Công Đồng Vatican II, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đem hết nhiệt huyết và kiến thức để thực hiện các đường lối canh tân của Công Đồng và mang tinh thần cải tổ này đến toàn thể Giáo Hội qua các chuyến công du toàn cầu của ngài. Kế vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II là Đức Benedicto XVI, người đã tháp tùng Đức Hồng Y Joseph Frings và tham gia Công Đồng với tư cách là chuyên gia thần học (peritus).
[2] Điều đầu tiên chứng minh cho quan sát này là buổi tối ngày 13.03.2013, lần đầu tiên xuất hiện trước dân chúng đang tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô cũng như để gởi lời chào đến các tín hữu trên toàn thế giới với tư cách là người kế vị thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tự gọi mình là “Giám Mục thành Roma”. Ngài đã dùng danh xưng là điểm nhấn cho giáo hội học canh tân của Công Đồng: Giáo Hoàng với tư cách là giám mục của địa phận Roma, trong tình hiệp thông với giám mục đoàn trên toàn thế giới, cai quản và phục vụ Giáo Hội toàn cầu.
[3] Hai bằng chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực này là Đức Phanxicô, một tháng sau ngày nhậm chức, đã tuyên bố thành lập hội đồng cố vấn gồm 9 hồng y (thường được gọi là C9) đến từ các lục địa khác nhau để giúp ngài trong việc quản trị giáo hoàn toàn cầu và cải tổ giáo triều Roma. Tiếp sau đó ngài đã liên tục triệu tập các công nghị (synod) để xác nhận căn tính của một Giáo Hội Đồng Hành (Synodal Church). Rất dễ nhận ra là Đức đương kim Giáo Hoàng đang điều hành Giáo Hội theo “tinh thần cộng thể” (collegiality) và “thể chế công nghị”(synodality) mà Vatican II đã bắt đầu, khuyến khích và đề cao.
[4] Chúng ta không đề cập nhưng cũng không loại trừ các khủng hoảng đã là một trong các nguyên nhân khiến Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phải thoái vị, một biến cố không có tiền lệ trong lịch sử Giáo Hội đã hơn 700 năm.
[5] Các nhóm này thường được lãnh đạo bởi các linh mục tương đối trẻ, mới chịu chức hoặc trở lại Công Giáo từ các giáo hội khác, đã cố gắng qui tụ những người tín hữu có cùng khuynh hướng bảo thủ để tạo nên một chỗ đứng riêng biệt trong các sinh hoạt và đời sống phụng vụ tại nhiều giáo hội địa phương.
[6] Rất thường xuyên các nhóm bảo thủ duy truyền thống này đã liên kết với nhiều phương tiện truyền thông báo chí, ngay cả các cơ quan truyền thông vẫn còn mang nhãn hiệu Công Giáo, để truyền bá các tài liệu phê bình chỉ trích giáo huấn Vatican II và Huấn Quyền hiện tại.
[7] Thiết tưởng cũng quan trọng để nhấn mạnh rằng không phải ngôn ngữ (tiếng Latinh) nhưng là các nghi thức chưa được canh tân theo đúng tinh thần phụng vụ gây xáo trộn cho đời sống các giáo hội địa phương và tạo nên các quan tâm cho Huấn Quyền. Tiếng Latinh hiện vẫn được dùng để cử hành Thánh Lễ theo phụng vụ mới tại Vatican (Roma) và nhiều nơi khi những người tham dự không có cùng một ngôn ngữ. Tại nhiều giáo xứ Công Giáo trong một số quốc gia, trong đó có Nauy, Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng bản xứ nhưng các phần cố định (kinh Kyrie, Gloria, Credo, Sanctus, Agnus Dei…) vẫn được hát bằng tiếng Latinh để bảo toàn gia sản âm nhạc phụng vụ quí báu của Giáo Hội. Tại Việt Nam ở những năm đầu thập niên 70, khi Thánh Lễ bằng tiếng Việt bắt đầu được đưa vào cử hành, thì tại chủng viện Qui Nhơn (và các chủng viện khác?) vẫn có thói quen cử hành Thánh Lễ một tuần bằng tiếng Latinh và một tuần bằng tiếng Việt.
[8] Càng lúc càng khá phổ biến trong xã hội Tây Phương là hiện tượng của những người vẫn tự xưng là người Công Giáo nhưng nhân danh các gía trị bảo thủ chính trị đã công khai chống đối giáo quyền và đường hướng mục vụ của Giáo Hội. Những người này cũng không ngần ngại bênh vực hay chủ trương các chính sách đi ngược lại với đức tin và tinh thần Công Giáo, như việc kỳ thị phân biệt chủng tộc và chia rẻ tôn giáo.
[9] Đức Hồng Y Walter Kasper, trong Theology & Church, SCM Press, London 1989, đã viết: “…as the Second Vatican Council used the term sacrament to describe the church, this is one conceptual means among others for overcoming ecclesiological triumphalism, clerialism and legalism” (p.118). Xin xem thêm Gilles Pelland, A Few Words on Triumphalism, trong René Latourelle, ed., Vatican II, Assessment and Perspectives, Twenty-five Years After, Vol I, 106-22
[10] Trong Tông Thư Desiderio Desideravi, Đức Giáo Hoàng phát biểu rất cụ thể về vấn đề này: “… Chúng ta hãy luôn nhớ rằng chính Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Kitô, là chủ thể cử hành chứ không chỉ là linh mục. Kiến thức có được từ việc học hỏi chỉ là bước đầu tiên để có thể đi vào mầu nhiệm đang được cử hành. Thật quá rõ, để có thể dẫn dắt anh chị em của mình, các thừa tác viên chủ sự cộng đoàn phải biết đường đi, bằng cách vừa nắm rõ lộ trình trên bản đồ nghiên cứu thần học, vừa phải siêng năng cử hành phụng vụ để có những trải nghiệm về một đức tin sống động, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, và chắc chắn không chỉ đơn thuần là thi hành một bổn phận bó buộc…” (DD 36).
[11] Phụng vụ là đề tài được bàn hay nhắc đến trong Sacrosanctum Concilium, Dei Verbum, Gaudium et Spes, Lumen Gentium, Ad Gentes, Apostolicam Actuositatem, Christus Dominus, Optatam Totius, Perfectae Caritatis, Presbyterorum Ordinis, Unitatis Redintegratio.
[12] Desiderio Desideravi số 30 đã trích dẫn điều Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã phát biểu khi bế mạc kỳ họp thứ hai của Công đồng (ngày 4 tháng 12 năm 1963): “Những cuộc thảo luận khó khăn và phức tạp đã có kết quả dồi dào phong phú, đã đúc kết được một chủ đề, đó là Phụng vụ thánh. Chủ đề đã được đề cập ngay từ đầu, theo một nghĩa nào đó, đây là vấn đề ưu tiên hơn tất cả các vấn đề khác, xét về giá trị nội tại và tầm quan trọng trong đời sống Hội Thánh và hôm nay tôi long trọng ban hành văn kiện về Phụng vụ. Tâm trí tôi phấn khởi trong niềm vui thực sự, vì theo cách thức mọi việc đã diễn ra, tôi ghi nhận bậc thang chính xác về giá trị và bổn phận đã được tôn trọng. Thiên Chúa phải ở vị trí thứ nhất; cầu nguyện là bổn phận đầu tiên của chúng ta. Phụng vụ là nguồn mạch đầu tiên của sự hiệp thông thần linh, trong đó Thiên Chúa chia sẻ sự sống của chính Người cho chúng ta. Phụng vụ cũng là trường học đầu tiên của đời sống thiêng liêng. Phụng vụ là món quà đầu tiên mà chúng ta phải trao cho các Kitô hữu hợp nhất với chúng ta trong đức tin và lòng nhiệt thành cầu nguyện. Đây cũng là lời mời đầu tiên gửi đến toàn thể nhân loại, để giờ đây mọi người có thể cất cao giọng nói thầm lặng của mình trong một lời cầu nguyện thánh thiện và chân thành, nhờ đó họ tìm thấy được sức mạnh khôn tả và có năng lực tái sinh, khi cùng với chúng ta loan truyền lời ngợi khen Thiên Chúa cũng như niềm hy vọng của trái tim con người qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần”.
[13] Desiderio Desideravi sẽ được viết tắt là DD. Các trích dẫn trong bài viết sẽ theo bản dịch Việt ngữ của Uỷ Ban Phụng Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, được đối chiếu và hiệu đính khi cần, theo nguyên bản tiếng Ý và tiếng Anh của Toà Thánh.
[14] Về Hiến Chế này, ĐTC Phanxico đã xác quyết: “Chúng ta luôn được mời gọi khám phá lại ý nghĩa phong phú của các nguyên tắc chung được trình bày trong các số đầu tiên của Sacrosanctum Concilium, nắm bắt mối tương quan mật thiết giữa Hiến chế đầu tiên của Công đồng với tất cả các văn kiện khác. Đây là lý do tại sao chúng ta không thể quay trở lại dạng thức nghi lễ mà các nghị phụ Công đồng, cum Petro et sub Petro, cảm thấy cần phải được cải cách, qua việc phê duyệt những nguyên tắc cho công cuộc cải cách ấy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và theo lương tâm của những người mục tử. Các thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II, đã phê chuẩn các sách phụng vụ được cải cách theo sắc lệnh của Thánh Công đồng Đại kết Vatican II, vẫn bảo đảm trung thành với việc cải cách theo Công đồng. Vì lý do này, tôi đã viết Traditionis custodes, để Hội Thánh, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, dâng lên cùng một lời cầu nguyện duy nhất thể hiện sự hợp nhất” (DD 61).
[15] Xem J. Neuner & J. Dupuis, eds., The Christian Faith, 529
[16] Trong Desiderio Desideravi số 29, ĐTC Phanxicô đã tóm tắt công trình của Vatican II: “Hội Thánh, được quy tụ trong Công Đồng, đã muốn tiếp xúc với chính thực tại này của thế giới hiện đại, đang khi vẫn tái khẳng định ý thức mình là bí tích của Chúa Kitô, là Ánh sáng các dân tộc (Lumen gentium), đặt mình vào việc sốt sắng lắng nghe Lời Chúa (Dei Verbum), và nhận lấy niềm vui và hy vọng của con người thời đại như của chính mình (Gaudium et spes). Công đồng là biểu hiện cao nhất của tính hiệp hành trong Hội Thánh, và cùng với tất cả anh chị em, tôi được kêu gọi trở thành người gìn giữ kho tàng phong phú của Công đồng. Các Hiến chế quan trọng của Công đồng không thể tách rời nhau, và không phải ngẫu nhiên mà nỗ lực suy tư đầy giá trị này của Công đồng Đại kết đã bắt đầu với việc suy tư về Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium)”.
[17] Về vấn đề này có thể xem thêm Josef Andreas Jungmann, Constitution on the Sacred Liturgy, trong Herbert Vorgrimler, ed., Commentary On The Documents Of Vatican II, Vol I, 22.
[18] Trước Công Đồng mỗi linh mục phải cử hành Thánh Lễ riêng cho dầu ở chung trong một cộng đoàn nhà dòng hay giáo xứ. Đó là lý do hiện nay vẫn còn trong một số thánh đường cổ rất nhiều bàn thờ phụ hay các nhà nguyện nhỏ. Đây là nơi để mỗi linh mục có thể cùng một lúc cử hành Thánh Lễ riêng một mình. Hình thức Thánh Lễ đồng tế chỉ được đề cao và khuyến khích khi phụng vụ Thánh Lễ được cải tổ từ Vatican II.
[19] Desiderio Desideravi nói về việc đào tạo phụng vụ: “Chính trong cộng đoàn đó, vấn đề mang tính quyết định về việc đào tạo phụng vụ được đặt ra…Đây là điều có thể thực hiện được nhờ Phụng vụ. Và để làm được như thế, chúng ta phải được đào tạo…. Ở đây tôi không có ý định giải quyết thấu đáo chủ đề rất phong phú của việc đào tạo phụng vụ. Tôi chỉ muốn đưa ra một vài khởi điểm để suy tư. Tôi nghĩ chúng ta có thể phân biệt hai khía cạnh: đào tạo cho phụng vụ và đào tạo qua phụng vụ. Công việc thứ hai là thiết yếu và công việc thứ nhất phụ thuộc vào đó…” (DD 34).
[20] Đức Phanxicô đề nghị thêm cho việc đào tạo trong các chủng viện: “…ngoài chương trình học, chủng viện cũng phải cung cấp những trải nghiệm về việc cử hành phụng vụ, không chỉ mẫu mực về phương diện nghi thức, mà còn phải xác thực và sống động, để có thể sống hiệp thông thực sự với Thiên Chúa, cũng là sự hiệp thông mà kiến thức thần học phải hướng tới. Chỉ có tác động của Thánh Thần mới có thể giúp chúng ta hoàn thiện kiến thức về mầu nhiệm Thiên Chúa, vì mầu nhiệm này không phải là vấn đề thuộc dạng hiểu được bằng trí tuệ, mà là về mối tương quan ảnh hưởng đến tất cả cuộc sống. Đây là một trải nghiệm nền tảng để khi được truyền chức, các chủng sinh có thể đồng hành với các cộng đoàn trong cùng một hành trình nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm tình yêu”(DD 39).
[21] Tông Thư đóng góp cụ thể cho vấn đề: “Cần phải tìm ra những đường dẫn cho việc đào tạo trong nghiên cứu Phụng vụ. Ngay từ đầu, phong trào phụng vụ đã thực hiện nhiều việc trong lĩnh vực này, với sự đóng góp quý báu của các học giả và các học viện. Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là phải phổ biến kiến thức này ra ngoài môi trường học viện, có thể tiếp cận dễ dàng, để mỗi tín hữu có thể gia tăng kiến thức về ý nghĩa thần học của Phụng vụ. Đây là vấn đề mang tính quyết định, là nền tảng cho sự hiểu biết và thực hành phụng vụ. Nó cũng hình thành nên chính việc cử hành, giúp mọi người có có khả năng hiểu được các bản văn kinh nguyện, tính cách năng động và ý nghĩa nhân học của các nghi lễ” (DD 35).
[22] Nghi thức này cũng còn được gọi là Sách Lễ Thánh Piô V. Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma (Institutio Generalis Missalis Romani, viết tắt IGMR), công bố theo lệnh Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, hiệu đính dưới sự chỉ đạo của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô – năm 2002, đã bàn về vấn đề này: “Vào thời buổi khó khăn, khi đức tin Công giáo liên quan tới bản chất hy tế của Thánh lễ, chức linh mục thừa tác, sự hiện diện thực sự và thường hằng của Ðức Kitô dưới hình bánh rượu đang gặp nguy cơ, thì mối bận tâm đầu tiên của thánh Piô V là lo bảo tồn truyền thống còn mới, đang bị tấn công một cách vô lối, bằng cách chỉ thay đổi rất ít trong lễ nghi thánh. Thật vậy, Sách lễ năm 1570 chỉ hơi khác Sách lễ in đầu tiên năm 1474, và Sách lễ này lại trung thành lặp lại Sách lễ thời Ðức Giáo Hoàng Innôcentiô III. Ngoài ra, các cảo bản Thư viện Vaticanô, mặc dầu đã đưa vào một số sửa chữa trong kiểu nói, nhưng đã không cho phép công việc nghiên cứu…đi xa hơn là sưu tầm các sách chú giải về phụng vụ thời trung cổ” (IGMR 7).
[23] Nơi đây chúng ta không thể bỏ qua vai trò cũng như sự đóng góp của các Phong Trào Canh Tân Phụng Vụ đã bắt đầu thành hình từ đầu thế kỷ XX và đạt đến cao điểm nơi Đại Hội Quốc Tế về Phụng Vụ Mục Vụ (International Congress on Pastoral Liturgy) được tổ chức tại Assisi năm 1956 (Xem J. Neuner & J. Dupuis, eds., The Christian Faith, 528).
[24] Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma đã xác nhận và quảng diễn điều này:”…Ngày nay, càng tìm ra được nhiều tài liệu phụng vụ, thì càng biết rõ hơn truyền thống của các thế kỷ đầu đã có, trước khi nghi thức Đông Phương và Tây Phương được thành hình. Vả lại sự tiến bộ trong việc nghiên cứu các thánh giáo phụ đã soi sáng khoa thần học về mầu nhiệm Thánh Thể, nhờ giáo lý của các giáo phụ kiệt xuất của Kitô gíao thời xưa như thánh Irene, thánh Ambrosio, thánh Syrillo thành Gierusalem, thánh Gioan Kim Khẩu… ‘Quy tắc cổ xưa của các thánh giáo phụ’ không những đòi hỏi phải bảo tồn những gì cha ông kế cận chúng ta đã truyền lại, mà còn phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng hơn, tất cả quá khứ của Hội Thánh, và tất cả các hình thức , mà đức tin duy nhất của Hội Thánh đã được tuyên xưng trong các nền văn hoá nhân bản khác nhau… Cái nhìn bao quát này giúp chúng ta nhận thấy rằng: Chúa Thánh Thần đã ban cho dân Thiên Chúa sự trung tín lạ lùng, trong việc bảo tồn kho báu đức tin bất biến, mặc dầu có nhiều kinh nguyện và nghi lễ rất khác nhau (IGMR 8 & 9). Có thể đọc thêm Louis Bouyer, The Church Of God, Body of Christ And Temple Of The Spirit,Ignatius Press, San Francisco 2011, 17-18.
[25] Nơi đây chúng ta cũng có thể lưu ý đến cấu trúc cũng như sự xếp trong các nhà thờ phải tạo được sự hài hoà giữa sự thờ lạy và hành động hiệp thông phụng vụ. Tư thế quỳ biểu trưng cho sự thờ lạy, còn tư thế đứng nói lên sự tham gia chia sẻ tích cực với toàn thể cộng đoàn phụng vụ. Có những người giáo dân vẫn có thói quen quỳ nhiều trong khi Thánh Lễ được cử hành, ngay trong những khoảnh khắc của phụng vụ không dành cho sự thờ lạy. Ngược lại có một số nhà thờ không còn tạo điều kiện để người tham dự Thánh Lễ có thể diễn tả sự thờ lạy bằng việc quỳ gối một cách nghiêm chỉnh. Việc nhà thờ không cần bàn quỳ thích hợp với các anh chị em Kitô hữu không cử hành phụng vụ Thánh Thể, chỉ họp nhau để ngồi quây quần lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa. Nhưng cho các thánh đường Công Giáo, bàn quỳ vẫn rất cần thiết, để hành vi và thái độ thờ lạy của phụng vụ được diễn tả đúng cách.
[26] Trong Lumen Gentium, “Dân Thiên Chúa” là tên của chương II, tiếp đó chương III nói đến “Tổ Chức Phẩm Trật”, chương IV bàn đến “Giáo Dân” và chương V bàn đến ơn gọi nên thánh (đời sống thánh hiến) trong Giáo Hội.
[27] Đức Thánh Cha trong Desiderio Desideravi số 31 cho chúng ta một giải thích khá chi tiết cho vấn đề: “…Có những căng thẳng, không may xuất hiện chung quanh việc cử hành phụng vụ, nhưng thật tầm thường nếu cho đó chỉ là sự khác biệt đơn giản do cảm nhận khác nhau về một dạng thức nghi lễ cá biệt nào đó. Vấn đề chủ yếu là Giáo hội học. Tôi không hiểu sao một người vừa công nhận tính hợp lệ của Công đồng – mặc dù tôi rất ngạc nhiên khi một người công giáo lại có thể không công nhận điều đó – lại vừa không chấp nhận cuộc cải cách phụng vụ khởi sinh từ Sacrosanctum Concilium, một văn kiện diễn tả thực tại của phụng vụ trong mối liên hệ mật thiết với tầm nhìn về Hội Thánh được mô tả cách tuyệt vời trong Lumen Gentium. Vì lý do này, như tôi đã giải thích trong thư gửi cho tất cả các giám mục, tôi thấy mình có bổn phận phải khẳng định rằng “các sách phụng vụ do Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II ban hành, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách diễn đạt duy nhất của lex orandi (luật cầu nguyện) trong Nghi lễ Rôma” (Tự sắc Traditionis custodes, 1)…” (DD 31).
[28] Ý nghĩa của việc hiệp lễ có thể được đào sâu với suy tư này của ĐTC: “…những gì chúng ta đã nói về bản chất của Phụng vụ, có thể thấy rõ là sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, một vấn đề mang tính quyết định cho cuộc đời chúng ta, không là việc tâm trí thấu triệt một ý tưởng nào đó, nhưng là sự gắn bó hiện sinh thực sự với con người của Người. Theo nghĩa này, Phụng vụ không thuộc lĩnh vực “tri thức”, và chức năng chủ yếu không phải là sư phạm, mặc dù có giá trị sư phạm rất lớn (x. Sacrosanctum Concilium 33). Đúng hơn, Phụng vụ là lời ngợi khen, lời tạ ơn về mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Con, mầu nhiệm đang tác động đến đời sống chúng ta. Việc cử hành liên quan đến thực trạng của con người chúng ta trong việc ngoan ngoãn sống theo tác động của Thánh Thần, Đấng luôn hoạt động cho đến khi Chúa Kitô được hình thành trong chúng ta (x. Gl 4,19). Mức độ trọn vẹn của việc đào tạo là chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô… Chính vì mục đích này mà Thánh Linh được trao ban, và tác động của Người bao giờ cũng chỉ nhằm xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nhiệm thể được xây dựng với bánh Thánh Thể, và với việc mỗi người tín hữu được kêu gọi ngày càng trở nên điều đã nhận được như một hồng ân trong bí tích Rửa Tội, đó là trở thành chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô. Thánh Lêô Cả viết: ‘Việc thông dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không hướng đến điều nào khác hơn là làm cho chúng ta trở thành Đấng chúng ta ăn’…” (DD 41).
[29] “Dù vẫn duy trì các nguyên tắc tín lý do Công Ðồng Trentô qui định, nhưng có thể cho rước lễ dưới hai hình, tùy theo phán đoán của các Giám Mục, chiếu theo những trường hợp được Tông Tòa minh định, không những cho giáo sĩ, tu sĩ mà cả giáo dân nữa…” (SC 55). Hiệp lễ với hai hình đã được thực hành tại nhiều nơi, nhưng vì những phức tạp và khó khăn thực tế nên điều này vẫn chưa có thể phổ biến.
[30] Từ công đồng Laterano IV (1215) các tín hữu chỉ có thói quen rước lễ mỗi năm một lần. Công đồng Tridentino đã cố gắng sửa lại tập tục này. Nhưng vào thế kỷ thứ XIX, dưới ảnh hưởng của lạc giáo Jansenism, đa số người Công Giáo cũng chỉ rước lễ một hay hai lần mỗi năm. Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X, ngày 16.12.1905, đã ban hành hiến chế Sacra Tridentina Synod, lên án Jansenism và cho phép rước lễ mỗi ngày (x. DZ 3375-3376).
[31] Trong Qui Chế Tổng Quát số 56, h, điều này được diễn tả và giải thích rất rõ ràng: “Rất ước mong rằng: các tín hữu rước Mình Thánh Chúa với những bánh thánh được truyền phép ngay trong chính thánh lễ, và trong những trường đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh Chúa, để nhờ cả những dấu chỉ họ thấy rõ ơn hiệp lễ là tham dự vào hy lễ dang được cử hành”.
[32] Điều này có nghĩa là bánh (và rượu) được dâng tiến phải được tính toán cho tương xứng với số người tham dự để có đủ cho việc hiệp lễ. Lý tưởng là mỗi người tham dự tự lấy phần mình (bánh lễ) bỏ vào bình đựng để dâng tiến, như thường được thực hành nơi các dòng tu hay tại các cộng đoàn nhỏ. Trên thực tế điều này rất khó thực hiện nơi các giáo xứ hay cử hành lớn. Việc dùng Mình Thánh từ Nhà Tạm cho rước lễ cũng vẫn còn là một thực hành thông thường, cho dẫu không hoàn toàn đúng theo ý hướng của phụng vụ canh tân.
[33] Thiết tưởng cũng nên lưu ý là theo phụng vụ canh tân của Vatican II, vị trí của Nhà Tạm nơi cất giữ Mình Thánh Chúa phải ở một chỗ thích hợp và an toàn trong nhà thờ, nhưng không che lấp hoặc làm giảm nhẹ vị trí và ý nghĩa của Bàn Thờ là một biểu tượng cho sự hiện diện của Đức Kitô mỗi khi Thánh Thể “mới” được cử hành. Qui Chế Tổng Quát điều 276 qui định: “Rất nên chọn một nơi trong gian ngánh để giữ Mình Thánh Chúa, để tiện cho giáo dân tới kính thờ riêng tư và cầu nguyện. Nếu điều này không thực hiện được, thì sẽ tùy cấu trúc của mỗi thánh đường và tập tục chính đáng của mỗi địa phương mà giữ Mình Thánh Chúa trên một bàn thờ, hoặc ngoài bàn thờ, tại một nơi trang trọng trong nhà thờ và được trang trí hẳn hoi”.
[34] Trong tiếng Việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác, câu này được dịch cách nhẹ nhàng và mang ý nghĩa của một lời chào kết thúc. Tuy nhiên, hiểu theo nguyên ngữ của tiếng Latinh, đây không phải là một lời chúc “ra đi bình an”, nhưng là lời mời gọi lên đường hành động để mang Chúa ra thế giới, một mệnh lệnh truyền giáo.
[35] Điều này cũng giúp để hiểu lý do tại sao người Kitô hữu phải sạch tội (trọng) khi kết hợp với Đức Kitô trong việc rước lễ. Khi phạm tội trọng cố ý là người phạm tội tự tách mình ra khỏi Giáo Hội là Bí Tích cứu độ, hay nói cách khác là “tự cắt phép thông công”. Chính vì vậy phần thống hối trong phụng vụ Thánh Thể cũng như bí tích hoà giải, rất quan trọng trong việc chuẩn bị để người tham dự có thể được tháp nhập vào mầu nhiệm hiệp thông họ cử hành.
[36] Ít nhất 12 lần Sacrosanctum Concilium được được tiếp trích dẫn hay đối chiếu trong toàn bộ Tông Thư.
[37] Trong Desiderio Desideravi số 47, ĐTC có đề cập đến việc tập và hướng dẫn cho các trẻ nhỏ làm quen và đi vào đời sống phụng vụ.
[38] Nơi đây có ý đề cập đến âm nhạc của phong trào Taizé rất được phổ biến và hâm mộ bởi giới trẻ ở nhiều nơi, cả Công Giáo cũng như các tín hữu Kitô khác.
[39] Sự thinh lặng của phụng vụ là một sự lắng đọng có tính cách cộng đoàn nên phải hiểu và thực hiện trong những bối cảnh khác nhau. Bầu khí thinh lặng trong Thánh Lễ trong dịp tĩnh tâm cho người lớn không thể áp dụng cho Thánh Lễ cho các gia đình có con em nhỏ.
[40] Đối với một số tín hữu, cho dầu vẫn coi trọng việc tham dự Thánh Lễ, chỉ xem phần Phụng Vụ Thánh Thể là quan trọng và đủ để chu toàn “luật ngày Chúa Nhật”. Thói quen đi lễ trễ hoặc bỏ ra ngoài khi Phụng Vụ Lời Chúa được cử hành nên được sửa đổi.

 Tác giả bài viết: Phaolô Phạm Hữu Ý

 

Bài viết ở dạng PDF

Trang nguồn